Đất san lấp gồm 2 nguồn, một là mua đất núi, hai là đất từ cải tạo ruộng đồng - mà thực chất là “hạ” đất ruộng đem mua bán. Chính vì vậy, người ta thường gọi vui cuối năm là mùa…“ăn đất”.Vào những ngày này, ở các xã như Thượng Vực, Quảng Bị, Đồng Phú ...(huyện Chương Mỹ) dưới ruộng, trên đường làng, suốt ngày rền vang tiếng xe công nông chở đất. Theo đó, trung bình giá 1 xe công nông (loại gần 1m3) đất ruộng là 200.000 đồng; xe nhỏ hơn từ 120 - 150.000 đồng/xe. Trừ chi phí dầu nhớt, công múc (từ ruộng lên xe), mỗi ngày chỉ cần chạy độ 10 chuyến, người ta dễ dàng bỏ túi tiền triệu. Đây là mức thu nhập rất hấp dẫn, chính vì vậy dẫu chính quyền các địa phương đã nghiêm cấm việc hạ đất ruộng nhưng người dân vẫn lén lút làm. Tình trạng “ăn đất” vào cuối năm đã diễn ra từ lâu, chính quyền các địa phương cũng cấm hình thức này, nhưng việc cấm đoán cũng làm cho có lệ. Bằng chứng là vào thời điểm này, đi bất cứ xã nào ở khu vực ngoại thành người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe công nông cũ nát cõng trên lưng khối đất lù lù tiến từ ngoài đồng vào các thôn xóm.Hệ lụy của việc “ăn đất” là làm biến dạng ruộng đồng, lớp đất màu mỡ phục vụ gieo cấy bị lấy đi, ruộng đồng trở nên cằn cỗi. Xe công nông chở đất thì cày xới đường thôn, ngõ xóm, rủi ro về tai nạn giao thông. Những chiếc xe quá khổ, quá tải chở đất núi chạy suốt ngày trên đường đã và đang là nỗi ám ảnh của bất cứ người dân nào khi bước chân ra đường.Chấn chỉnh tình trạng này là việc làm không khó, chỉ cần lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông “siết chặt” tỉnh lộ, huyện lộ... có biện pháp xử lý, thu hồi xe công nông thì những người “ăn đất” sẽ tự chấm dứt việc làm này. Tuy nhiên, xem ra việc làm tưởng như rất dễ này hình như lại quá khó với chính quyền các địa phương.