Ngôi làng độc đáo ở Quảng Trị: Làng Phú Hải với mật ngữ trăm năm

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm giao thoa giữa đồi cát và cánh đồng bình yên, làng Phú Hải vỏn vẹn 60 hộ dân nhưng đã có tuổi đời hàng trăm năm. Với cái nghề chăm lo cho “cõi âm”, làng đã hình thành nên một thứ mật ngữ được giữ kín suốt bao đời nay.

Người từ tỉnh, thành khác đến Quảng Trị, đặc biệt về các vùng quê chắc chắn cần phải có thêm phiên dịch bởi thứ ngôn ngữ địa phương đặc sệt. Thậm chí, có làng chỉ sử dụng mật ngữ riêng biệt mà chỉ truyền cho người trong làng. Với những giá trị độc đáo đó, Quảng Trị đã đưa ngôn ngữ đặc biệt của 2 ngôi làng trên vào danh mục kiểm kê thuộc loại hình Di sản phi vật thể của địa phương (thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết).

Bí mật của làng

Xung quanh là những áo, quần, mũ… hàng mã chất thành từng hàng lớn, quán nước nhỏ trong làng Phú Hải (nay là thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) râm ran tiếng trò chuyện. Thế nhưng, khi thấy người lạ xuất hiện, 2 người đàn ông lớn tuổi bỗng chuyển qua thứ ngôn ngữ chưa hề nghe dù tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung này.

Biết họ đang dùng thứ mật ngữ đặc biệt của làng Phú Hải, chúng tôi lân la bắt chuyện hỏi, thế nhưng, 2 người đàn ông trang nghiêm nói: Đây là bí mật của làng, chỉ có Hội đồng kỳ mục trong làng đồng ý mới nói chuyện này. Hiện Tiên chỉ (đứng đầu Hội đồng kỳ mục) làng là ông Trần Đức Tảo, chỉ có ông mới có thể nói những chuyện liên quan đến thứ mật ngữ này.

Ông Trần Đức Tảo, Tiên chỉ của làng nói về mật ngữ làng Phú Hải.
Ông Trần Đức Tảo, Tiên chỉ của làng nói về mật ngữ làng Phú Hải.

“Tỏi hè”, người đàn ông bất ngờ nói với tôi khi có ý định dẫn tôi qua nhà ông Tảo. Ngơ ngác mãi hồi lâu, người đàn ông cười giục tôi: "Đi hè!"

Trong căn nhà xây khang trang, ông Trần Đức Tảo cùng vợ đang dán những món hàng mã. Dù 83 tuổi, ông vẫn tinh tường, tỉ mỉ trong từng nếp dán. “Ăn thua chi chú, ông sáng còn đi ra chợ bán hàng rồi mới về đó. Vợ chồng tôi cũng có một quầy hàng để bán các loại hàng mã ở ngoài chợ Phương Lang cách nhà 3km”, bà Nguyễn Thị Vui (81 tuổi), vợ ông Tảo cười.

Khi biết tôi xin tìm hiểu thứ mật ngữ của dân làng Phú Hải, ông Tảo phân vân một lúc rồi mới nói: “Nếu chú tìm hiểu các từ thông dụng thì tôi nói cũng được nhưng để tìm hiểu kỹ hơn thì phải có các thành viên trong Hội đồng kỳ mục của làng. Việc này cũng hơi rắc rối vì ngôn ngữ này chỉ truyền lại cho người làng thôi”.

Mang thắc mắc về câu “tỏi hè” lúc trước, ông Tảo cười giải thích, tỏi nghĩa là đi, rời đi. “Tỏi là loại gia vị cùng với hành mà mình hay gọi là hành, tỏi. Trong tiếng Hán hành nghĩa là đi, rồi diễn dịch qua tỏi. Đây chỉ là từ đơn giản nhưng được diễn dịch thành thứ ngôn ngữ riêng của làng”, ông Tảo lý giải.

Qua hàng trăm năm, mật ngữ làng Phú Hải tuyệt đối không truyền ra ngoài, trở thành nét đặc sắc riêng của làng.
Qua hàng trăm năm, mật ngữ làng Phú Hải tuyệt đối không truyền ra ngoài, trở thành nét đặc sắc riêng của làng.

Khi tôi hỏi việc truyền đạt thứ mật ngữ này có sách vở gì không. Ông Tảo vẫn bí mật: Những từ “chuyên biệt” khi đi “làm việc” thì sẽ được dạy, còn những từ thông dụng thì con, cháu nghe rồi hiểu dần như một thứ ngôn ngữ riêng. “Đã dâu, rể trong làng nếu chịu khó nghe hay hỏi bố, mẹ thì vẫn được chỉ các mật ngữ chứ không cấm kỵ”, ông Tảo cho biết thêm.

Theo lời ông Tảo, làng Phú Hải nổi tiếng bao đời nay về nghề lo cho “cõi âm”. Từ thầy pháp, thầy “phù thủy” đến phường bát âm và cả những hàng mã. Thế nên, thứ mật ngữ đó trở thành ngôn ngữ riêng để hành nghề. “Bởi có những điều không thể để gia chủ hay người ngoài biết được. Đặc biệt, những người làm nghề thầy pháp của làng Phú Hải thì việc sử dụng mật ngữ  thông dụng và nhiều hơn cả”, ông Tảo nói.

Ân tình Phú Hải

Điều đó cũng dễ hiểu khi vào bất cứ nhà nào ở làng Phú Hải làm nghề thầy pháp cũng có thể thấy bàn thờ Thái Thượng Lão Quân trang nghiêm giữa căn nhà, nét riêng biệt của Đạo giáo. Và bất cứ nhà nào cũng có thể thấy người dân đang làm hàng mã, đây cũng là nghề mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi vùng bốn bề là cát này.

Theo lời các cụ cao niên và gia phả, làng Phú Hải hình thành cách đây hơn 500 năm với các dòng họ Lê, Trần, Võ, Hồ. Dù giờ này, không rõ làng được lập ở khu vực nào nhưng theo một số tài liệu, làng xưa sát ở vùng biển với ước mong trù phù nên đặt tên làng Phú Hải. Theo biến động lịch sử và thiên nhiên, làng dời dần lên phía Tây.

Cùng với các nghề chăm lo cho "cõi âm", nghề làm hàng mã trở thành nguồn thu nhập cho bà con nơi đây.
Cùng với các nghề chăm lo cho "cõi âm", nghề làm hàng mã trở thành nguồn thu nhập cho bà con nơi đây.

Cái nghề chăm lo cho “cõi âm” không biết có từ bao giờ nhưng nghề thầy pháp, thầy cúng, bát âm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng một thứ mật ngữ riêng biệt của làng. Rồi ông kể, như vợ là nghéo, chồng là phu, đi là tỏi, về là hồi...

Trong đó, ngoài những nguyên tắc dùng chữ Hán, Hán Nôm để đánh tráo thành các từ riêng biệt của làng Phú Hải thì có những từ không thể nào cắt nghĩa được, ví như khi 2 thầy cúng gặp nhau nói nhỏ: “thượng gần uốn” (người gần chết).

“Như khi đang đi đám cho gia chủ, người khác hỏi: Ngày này gia chủ cho ăn gì?, người khác trả lời: Song hồn. Song hồn là hai hồn, 2 hồn chôn một, chôn một là chột môn (dưa môn hay dọc mùng). Hay lúc khác bảo: Trưa ni gia chủ cho ăn áo trắng. Áo trắng nghĩa là thịt heo (khi con heo cạo sạch, để lộ làn da)”, ông Tảo cười khà khi thấy tôi ngơ ngác giữa mê trận ngôn ngữ của người làng Phú Hải.

Cả một hệ thống mật ngữ riêng biệt trở thành những câu nói mà người trong làng có thể giao tiếp với nhau thoải mái, trong khi đó, người ngoài không thể hiểu được. Như khi đang ngồi trò chuyện, đứa cháu ông Tảo từ trên gác đi xuống bất ngờ hỏi: “Càn vi thất chi?” (Chú đó đang làm gì vậy?), ông Tảo cười đáp: “Càn vấn sư” (chú ấy đang nói chuyện với ông).

Đình làng Phú Hải nơi thờ các dòng họ trong làng cũng như là nơi tế lễ, giữ gìn các hương ước của làng qua hàng trăm năm nay.
Đình làng Phú Hải nơi thờ các dòng họ trong làng cũng như là nơi tế lễ, giữ gìn các hương ước của làng qua hàng trăm năm nay.

Tuy nhiên, ông Tảo bật mí, nếu như người giỏi ngôn ngữ và chịu khó quan sát sẽ hiểu sơ được những gì người làng Phú Hải trò chuyện. Thế nên, ở nơi đông người, dù nói ra với nhau bằng mật ngữ để làm việc gì đó, một lát sau mới thực hiện để tránh lộ mật ngữ.

Cũng bằng thứ ngôn ngữ riêng biệt này mà dân làng Phú Hải dễ dàng nhận ra nhau khi đi xa. Và có rời khỏi làng, hàng bao đời nay, người Phú Hải đều không hề tiết lộ thứ mật ngữ riêng này cho người ngoài biết.

Điều tôi bất ngờ hơn khi trong đình làng Phú Hải, chính giữa là gian thờ của dòng họ Lê dù giờ này trong làng không còn một hộ gia đình họ Lê nào. Ông Tảo chia sẻ: Theo các cụ truyền lại bao đời nay, tiền khai canh (có công mở đất, lập làng) là dòng họ Lê. Tuy nhiên, qua biến động lịch sử, dòng họ Lê đã rời làng từ lâu. Dù vậy, nhớ công ơn của cha ông, dân làng vẫn trang trọng đặt bài vị, gian thờ dòng họ Lê ngay chính giữa đình.

Chính làm nghề lo cho “cõi âm”, người Phú Hải hiểu rõ được những đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sống hòa thuận, giữ gìn hương ước của làng qua hàng trăm năm. Cùng ông Tảo đi quanh làng, dù có thể người làng nói bằng mật ngữ khiến người ngoài không hiểu được nhưng sự đón tiếp nhiệt tình, hồ hởi của người làng Phú Hải mới hiểu được tấm thịnh tình của ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm này.

Bà Cái Thị Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngữ âm làng Phú Hải ban đầu là cách sử dụng âm Hán Việt và các từ lóng dựa trên khả năng sáng tạo của những người hành nghề thầy pháp. Sau đó, những mật ngữ này phù hợp và đáp ứng được xu thế phát triển của ngôn ngữ cộng đồng làng Phú Hải cho nên những người khác nói theo. Và cũng chính vì nó là tập hợp của những thói quen do học tập nhau mà có, nên sang các thế hệ sau trong quá trình giao tiếp đã thừa hưởng và sử dụng để rồi từ đó trở thành ngữ âm riêng của làng quê mình.

"Cùng với ngữ âm làng Phú Hải, ngữ âm dân gian Vĩnh Tú - phương ngữ Vĩnh Hoàng đã được đưa vào danh mục danh mục kiểm kê thuộc loại hình Di sản phi vật thể của tỉnh Quảng Trị (thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết)", bà Vượng cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần