Ngôi nhà chung của anh em
Mẹ chị đã hơn tám mươi tuổi rồi nhưng vẫn quyết làm nhà mới cho khang trang. Bà nói, nhà mình có tiếng rằng con cái đều học hành này nọ, đi làm ăn xa, dù không ai giàu có gì nhưng cũng có đứa thành danh… Vậy mà, nhà cửa so với trong xóm vẫn tuềnh toàng nhất. Dịp lễ, tết, khi con cháu về nhà đông một chút là không có chỗ ngủ phải ra khách sạn. Do đó, nguyện vọng của bà là làm nhà to hơn, đẹp hơn, dù chỉ cấp bốn. Nhà chỉ làm bình thường, không có lên tầng.
Mấy anh chị em nhà chị bàn nhau, đất vườn sẵn có khá rộng, mỗi người góp một ít làm nhà cho mẹ. Mẹ chị cũng có ít tiền gom góp nhiều năm thêm vào.
Quyết là làm, mấy đứa con thuê thợ xây căn nhà khoảng ba tháng là xong. Nhà làm xong, mẹ chị lát thêm sân, làm mái che, rồi làm cổng vườn cho đẹp. Bà nói: “Tôi làm cho đàng hoàng, lỡ khi mất đi, có đứa nào chịu về quê ở thì cũng nhớ bố mẹ để lại cho chúng nhà đẹp”.
Bà nói vậy, những đứa con của ông bà mới nghĩ đến chuyện ai sẽ về quê ở với mẹ và thừa kế gia sản.
Với chị em nhà chị, ai cũng đã có nhà riêng, hoàn cảnh mỗi người một khác, nhưng ai cũng đã có nhà cửa, không đến nỗi khó khăn. Mọi người nghĩ đến chuyện đề nghị anh con trai út về quê ở với mẹ, vì tính tình của anh ấy có vẻ hợp với bà. Rồi mọi người nghĩ đến phương án đề nghị ông anh trai cả về hưu thì về quê…
Tuy nhiên, cô con gái út chợt nhớ ra rằng, nếu chia nhà cửa mỗi người một phần thì thành ra tan đàn xẻ nghé; còn cho hẳn một ai đó thì mỗi khi về quê thành ra mọi người lạ ở nhờ… Nhà của bố mẹ khác, của anh chị lại khác. Cô nói: “Không biết ai thế nào, chứ tôi luôn có nhu cầu về quê, nhất là dịp lễ, tết. Nếu mẹ mất đi, tôi về quê lại ở nhờ nhà anh, chị à?”.
Còn anh con trai út đề nghị: “Nhà cửa phải có chủ, để bác cả trông coi là hợp lý, bởi “quyền huynh thế phụ”. Hơn nữa, xét ra bác ấy có mong muốn về quê thì nhà cửa dành cho bác ấy là hợp lý”...
Mẹ chị dù không biết các con đang bàn gì, nghĩ gì nhưng bà hết sức băn khoăn. Bà hiểu rằng, theo luật pháp thì tài sản của bố mẹ chia đều cho con cái. Nhưng chia làm sao khi nhà đông con, vườn nhà chỉ có một?
Bà nhiều đêm thao thức không ngủ được.
Còn mấy anh em nhà chị, qua trao đổi chung trên nhóm Zalo, quyết định rằng: nhà nên để lại chung cho mấy anh em, vì như vậy ai cũng có căn nhà của thời thơ ấu. Họ nhờ chị thông báo với mẹ như vậy.
Hôm nay là ngày giỗ bố, anh chị em đều về nhà. Trước buổi tiệc có mời mấy người hàng xóm, mẹ chị họp tất cả các con lại. Bà nói: “Tôi tuổi nay đã cao, không biết sống được bao năm nữa. Anh chị cũng đã biết chuyện làm nhà, rồi chuyện thừa kế. Hàng xóm, người ta khoảng 70 tuổi đã viết di chúc, nay tôi đã hơn 80 cũng muốn viết di chúc để dặn dò. Tôi biết ý của anh chị là nhà để lại cho tất cả, không chia phần, làm nhà chung vừa thờ cúng vừa là nơi ở khi về giỗ, tết... Riêng ai về ở hẳn thì cứ ở, nhưng phải hiểu là nhà của chung. Tôi cảm ơn anh chị không vì chuyện nhà cửa, đất đai mà cãi nhau, thậm chí kiện cáo...”.
Lần đầu tiên, chị nghe mẹ nói dài như vậy. Anh trai cả thay lời mọi người cảm ơn mẹ, rằng: “Bố mẹ đã nuôi dạy để đứa con nào cũng có thể tự lập, đó là điều quý nhất. Sau này, nếu về hưu thì có lẽ con sẽ về đây ở nhưng các em vẫn coi đây là nhà của bố mẹ, của mình”...
Bữa tiệc giỗ năm nay ấm cùng lạ thường. Chị biết mẹ chị rất vui vẻ. Bà nói cười với khách mời với khuôn mặt rạng rỡ. Riêng chị cũng cảm thấy hạnh phúc, ngôi nhà tuổi thơ của anh chị sẽ vẫn là nơi để mọi người trở về dù có ở phương trời xa xôi nào.
Giáo dục văn hoá trong gia đình: Áp lực từ đời sống đô thị
Kinhtedothi – Dưới tác động của cơ chế thị trường, áp lực cuộc sống khu vực đô thị dẫn đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, một số gia trị đạo đức như hiếu nghĩa, trung thuỷ có biểu hiện xuống cấp.

Thiết bị công nghệ khiến gia đình thiếu gắn kết
Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của mạng xã hội, công nghệ thông tin, nên việc gắn kết, giao lưu, chia sẻ thành viên trong gia đình còn hạn chế, một số thành viên, gia đình bị ảnh hưởng bởi lối sống lệch lạc, thực dụng, tiêu cực, thiếu đi sự quan tâm tới các thành viên trong gia đình.

Tặng quà cho 100 gia đình chính sách tại huyện Nam Đàn, Nghệ An
Kinhtedothi - Gần 200 triệu đồng gồm tiền, quà là nồi cơm Sunhouse, cặp sách, áo và 2 bộ máy tính… đã được cộng đồng doanh nghiệp trao cho 100 gia đình chính sách, học sinh giỏi có hoàn khó khăn tại huyện Nam Đàn, Nghệ An chiều 26/10.