Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sản phẩm OCOP 3 sao “Rau cải làn Tân Liên” của Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Tân Liên (thôn Nà Hán, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời điểm này, người dân thôn Nà Hán, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đang tất bật trồng gối vụ, chăm sóc và thu hoạch các loại rau vụ Đông, trong đó chủ yếu là rau cải làn. Đây là loại rau nổi tiếng của vùng đất Lạng Sơn, giúp người dân địa phương tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Nói về rau cải làn không thể không nhắc tới HTX sản xuất rau an toàn Tân Liên.  Hoạt động từ năm 2017, HTX chuyên sản xuất rau củ quả sạch, chú trọng đến phương pháp canh tác an toàn và bảo vệ môi trường. Mới đây, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), rau cải làn Tân Liên đã được UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024.

Chia sẻ về “bí quyết” thành công, Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn Tân Liên Dương Thị Oai cho biết, sản phẩm rau cải làn của HTX được sản xuất theo quy trình kỹ thuật khắt khe, từ các tiêu chuẩn về đất, nước tưới đến quy trình gieo trồng, chăm sóc, ghi chép nhật ký, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Mặt khác, HTX đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn, qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng rau vụ Đông.

Nhờ bám sát các yêu cầu kỹ thuật, sản phẩm rau cải làn Tân Liên luôn đảm bảo chất lượng an toàn, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Hiện nay, rau cải làn Tân Liên đang được xuất bán ra thị trường với giá các loại 25.000 - 30.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, mỗi héc ta trồng rau cải làn cho HTX thu lãi trên 300 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Thuý, thành viên HTX rau an toàn Tân Liên cho hay: thời điểm trồng cải làn là vào mùa Đông. Khi cây cải lớn dần sẽ được bấm ngọn để nách lá bật lên chồi. Người trồng sẽ tiến hành thu hoạch sau khi những chồi non biến thành nụ xanh, bởi đây là thời điểm mà cải làn có chứa nhiều dưỡng chất nhất. Mỗi cây cải được ngắt với ngọn dài từ 20 – 25 cm. Thời điểm thu hoạch sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.

“Trước đây, trồng rau chỉ đủ ăn chứ không nghĩ tới bán, nay được hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau theo quy trình an toàn, năng suất, chất lượng đạt cao. Trồng rau cải làn chỉ khoảng 45 ngày cho thu hoạch, bình quân mỗi sào cho thu lãi từ 10 -11 triệu đồng/vụ.” - chị Thúy bộc bạch.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) Nguyễn Văn Hanh cho biết: vùng đất Cao Lộc là nơi có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng tốt nên phù hợp cho rau sinh trưởng và phát triển, trong đó cải làn được huyện xác định và lựa chọn là rau chủ lực. Hiện, Cao Lộc có 24ha rau an toàn, với sản lượng hàng năm đạt trên 2.000 tấn, trong đó, rau cải làn chiếm hơn 50% tổng sản lượng. Mức giá bán cải làn trên thị trường hiện nay dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hanh, HTX rau an toàn Tân Liên là đơn vị tiêu biểu của huyện trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đưa sản phẩm rau cải làn của địa phương vươn xa. Hiện nay, rau cải làn Tân Liên không chỉ tiêu thụ ở địa phương còn cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh phía Bắc và xuất khẩu. Ngoài giá trị kinh tế cao, loại rau này góp phần gìn giữ danh tiếng cho nông sản Việt Nam.

Những năm qua, thông qua những lớp tập huấn, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ ngành nông nghiệp, mọi thành viên của HTX đã thành thạo quy trình kỹ thuật và tuân thủ cách thức thực hiện. Đơn cử, phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn dùng chế phẩm sinh học thân thiện môi trường; sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất. Nhờ đó, diện tích canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau an toàn Tân Liên được duy trì ổn định (7ha), năng suất, chất lượng được cải thiện rõ rệt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cải làn Tân Liên nổi tiếng bởi độ xanh tươi, nhiều chất dinh dưỡng và hương vị riêng. Cải làn có đặc trưng màu xanh sẫm, thân mập, hoa có màu vàng. Ngồng cải là phần ngon nhất vì chứa nhiều chất xơ và tinh bột, ăn giòn, thơm và có một hương vị rất riêng, khi ăn có vị ngọt bùi, thơm nhẹ

Chẳng vậy mà, rau cải làn Tân Liên được nhiều người tiêu dùng, bà nội trợ tin tưởng, lưa chọn sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Rau cải làn có thể chế biến được nhiều món khác nhau và hợp khẩu vị với phần đông người thưởng thức. Các món ăn quen thuộc từ cải làn có thể kể đến như: món rau luộc (đơn giản nhưng giữ được vị ngọt, giòn tự nhiên); rau xào với tỏi hoặc thịt bò; nấu canh (kết hợp rau với tôm hoặc thịt nạc); ăn kèm lẩu (nhúng lẩu rau có vị ngọt, giòn)…

Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn Tân Liên Dương Thị Oai đánh giá: “khách quan mà nói, sản phẩm rau cải làn Tân Liên mang tính đặc trưng, được trồng tại vùng đất đặc trưng nên chất lượng sản phẩm có sự vượt trội hơn so với các sản phẩm cùng loại nhưng trồng vùng miền khác. Thêm nữa, rau cải làn Tân Liên đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định nên việc sản phẩm này nổi tiếng, tạo được chỗ đứng trên thị trường là điều dễ hiểu”.

Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế của cây cải làn, thời gian tới, HTX rau an toàn Tân Liên sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp thị rau cải làn không chỉ ở các khu chợ dân sinh, siêu thị, mà còn tăng cường giới thiệu về loại rau này trên các kênh bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Chắc chắn việc xây dựng được một chiến dịch truyền thông bài bản, có điểm nhấn và thường xuyên sẽ giúp HTX quảng bá được loại rau đặc sản thế mạnh này dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi hơn.

HTX mong muốn được các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh Lạng Sơn, huyện Cao Lộc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm gặp gỡ, kết nối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh khác, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Phát triển sản xuất kết hợp du lịch nông nghiệp là xu hướng phát triển hiên đại nên HTX kiến nghị cần chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để HTX tiến tới mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm bền vững. Huyện Cao Lộc, cũng nên cân nhắc đưa rau cải làn vào danh sách các món ăn đặc sản phục vụ khách du lịch của tỉnh Lạng Sơn.

Về lâu dài, tỉnh nên có chiến lược phát triển nông sản thế mạnh gắn với du lịch sinh thái, vừa giúp khách du lịch có cơ hội trải nghiệm cảnh quan của vùng đất Lạng Sơn, vừa được thưởng thức tại chỗ các món ăn đặc sản. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Một động tác đơn giản, nước được tưới đều khắp đồng

Một động tác đơn giản, nước được tưới đều khắp đồng

05 May, 11:44 AM

Kinhtedothi - Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng đang là biện pháp được nông dân Lý Sơn sử dụng, vừa giảm chi phí nhân công vừa tiết kiệm nguồn nước và góp phần nâng cao hiệu quả chống hạn cho cây trồng vào mùa khô trên đất đảo.

Thương hiệu OCOP đưa làng nghề cất cánh

Thương hiệu OCOP đưa làng nghề cất cánh

03 May, 05:21 AM

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội được biết đến là “cái nôi” của 1.350 làng nghề, làng có nghề truyền thống. Đây cũng là lợi thế rất lớn của TP trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm làng nghề.

Hà Nội - lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Hà Nội - lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

02 May, 05:01 AM

Kinhtedothi - Những năm qua, Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vị thế “lá cờ đầu” của cả nước trong xây dựng nông thôn mới; qua đó tiến gần việc hoàn thành các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.

Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

23 Apr, 05:07 AM

Kinhtedothi - Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được dư luận đồng tình ủng hộ. Chính sách này kỳ vọng tiếp tục là nguồn tài chính hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và ngành nông nghiệp tiến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ