Tác động ngoại giao
Trong một loạt các cuộc gặp với các quan chức hàng đầu Trung Quốc, Kushner và các cố vấn của ông Trump đã thiết kế chương trình nghị sự cho cuộc gặp sắp tới, theo đó, 2 nhà lãnh đạo sẽ bàn bạc các vấn đề có ý nghĩa to lớn với Mỹ, Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mục tiêu của Kushner, theo đội ngũ chuyển giao quyền lực Nhà Trắng, là mở rộng và cải thiện mối quan hệ giữa 2 nước, bất chấp các thách thức. Điều này mâu thuẫn với quan điểm của các quan chức hàng đầu khác muốn đối đầu với Bắc Kinh trong một số vấn đề, cũng như lời cam kết của chính ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
Quá trình giải quyết mâu thuẫn này là một hành trình dài. Hồi giữa tháng 11 năm ngoái, khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger gặp Kushner và ông Trump tại trụ sở của ông Trump ở New York, Tổng thống đắc cử đã đề nghị ông Kissinger đến Bắc Kinh và chuyển tải thông điệp tới ông Tập Cận Bình rằng, mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng hợp tác song phương. Hôm 2/12/2016, người đứng đầu Trung Quốc đã gửi lại lời phúc đáp về mong muốn thiết lập một cuộc gặp sớm giữa 2 nhà lãnh đạo.
Đến 6/12/2016, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đến thăm Mỹ và được tiếp đón tại văn phòng của Kushner.
Quan trọng hơn, chính Kushner là người giúp sắp xếp một cuộc điện thoại giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình hồi tháng trước, trong đó ông Trump cam kết tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" - mắt xích quan trọng cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên này.
Trong quá trình thiết kế cuộc gặp và sắp xếp lịch làm việc, Kushner đã nổi lên như nhân vật trung tâm.
Ngoài ra, Kushner và vợ là Ivanka Trump cũng có mối quan hệ thân thiết với Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cao Thiên Khải. Con gái ông Trump đã tham gia đón năm mới tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ.
Mục đích là thương vụ với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Trung Quốc?
Ngoài mối quan hệ ngoại giao với các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh, con rể của ông Trump cũng có mối quan hệ làm ăn với các công ty lớn của Bắc Kinh. Chính điều này đã gây ra quan ngại tại Washington về nguy cơ xung đột lợi ích khi con rể, cũng là cố vấn cao cấo của Tổng thống có thể để các lợi ích kinh tế ảnh hưởng đến việc chính trị của Nhà Trắng.
Trong nội bộ chính quyền, đã xuất hiện lo ngại về việc Kushner quá háo hức trong việc thúc đẩy “làm ấm” quan hệ với Bắc Kinh. Quan ngại này không phải là phi lý. Sự tham gia của ông Kushner trong chính sách của Trung Quốc là một tình huống rất nhạy cảm khi Kushner từng có cuộc gặp với lãnh đạo Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc hồi giữa tháng 11 năm ngoái trong một nỗ lực muốn có một khoản đầu tư từ Anbang Insurance. Vừa qua, hôm 3/4, Bloomberg đưa tin Tập đoàn Bảo hiểm Anbang đã đồng ý đầu tư hơn 4 tỷ USD cho công ty của Kushner.