Những người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng nếu đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí, bồi thường thiệt hại, đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, nghĩa vụ dân sự khác và có đủ các điều kiện theo quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 thì được xem xét, đề nghị đặc xá.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an cho biết, những người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng nếu đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí, bồi thường thiệt hại, đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, nghĩa vụ dân sự khác và có đủ các điều kiện theo quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 thì được xem xét, đề nghị đặc xá như những người bị kết án phạt tù về các tội phạm khác.
PV: Ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của đặc xá năm 2024?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuyến: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Để tiếp tục khẳng định và thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ, đồng thời khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, phấn đấu, rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Ngày 30/7/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN về đặc xá năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/2024) và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024).
PV: Quá trình triển khai thực hiện quyết định của Chủ tịch nước về Đặc xá năm 2024 được tiến hành như thể nào để bảo đảm nghiêm túc, minh bạch, chặt chẽ, công bằng và không để xảy ra tiêu cực?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuyến: Sau khi Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 được công bố và nhận được tài liệu về đặc xá năm 2024, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã tổ chức niêm yết công khai quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước; phổ biến Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024, hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá cho tất cả cán bộ, chiến sĩ, phạm nhân biết.
Về phía phạm nhân, họ tự liên hệ với bản thân xem mình có đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá hay không. Tiếp đó các cơ sở giam giữ tổ chức cho phạm nhân có đủ điều kiện viết đơn đề nghị đặc xá và bản cam kết; cán bộ quản giáo tổ chức họp tổ đội phạm nhân để bình xét, bỏ phiếu giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện; Hội đồng của các trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện lập danh sách, hồ sơ người đủ điều kiện đề nghị đặc xá gửi các Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn tiếp tục kiểm tra, thẩm định.
Căn cứ kết quả thẩm định, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách và chuyển về Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá để tổng hợp và chuyển danh sách cho các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá thâm tra.
Căn cứ kết quả thẩm tra của các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá tổng hợp lập các danh sách để Hội đồng tư vấn đặc xá xét duyệt, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Danh sách phạm nhân đủ điều kiện được các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện niêm yết công khai tại các buồng giam, nhà thăm gặp để mọi phạm nhân và thân nhân gia đình phạm nhân biết được và đối chiếu.
Có thể khẳng định, việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định. Hồ sơ đề nghị đặc xá được kiểm tra, thẩm định qua nhiều cấp với sự tham gia của nhiều cơ quan ban, ngành chức năng và đặc biệt là sự giám sát của các tổ chức xã hội và Nhân dân. Do vậy đến nay chưa phát hiện sai sót, tiêu cực xảy ra.
PV: Đối với phạm nhân phạm tội về tham nhũng, kinh tế, chức vụ thì điều kiện xét đặc xá như thế nào? Đợt đặc xá lần này có trường hợp nào thuộc diện này được xét duyệt không, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuyến: Luật Đặc xá của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, thành phần, địa vị xã hội... Do vậy, tất cả các trường hợp phạm nhân đủ điều kiện đều được xem xét đề nghị đặc xá. Một trong những nguyên tắc thực hiện đặc xá là phải tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật, bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch.
Do đó tất cả những người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng nếu đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí, bồi thường thiệt hại, đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, nghĩa vụ dân sự khác và có đủ các điều kiện theo Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 thì cũng được xem xét, đề nghị đặc xá như những người bị kết án phạt tù về các tội phạm khác.
PV: Ông có thể cho biết, quy định về xét đặc xá cho người nước ngoài có khác người Việt Nam hay ko? Để tổ chức đặc xá cho người nước ngoài, chúng ta sẽ làm gì?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuyến: Luật Đặc xá của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, thành phần, địa vị xã hội...
Do vậy, tất cả các trường hợp đủ điều kiện đều được xem xét đề nghị đặc xá, không phân biệt quốc tịch. Khi có Quyết đinh đặc xá đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoai giao, cơ quan lãnh sự của các nước mà người được đặc xá là công dân biết đề nghị phối hợp thực hiện quyết định đặc xá.
PV: Một vấn đề rất được quan tâm là sau khi được đặc xá trở về, làm thế nào để phạm nhân có thể tái hòa nhập cộng đồng. Xin ông có thể chia sẻ thêm điều này?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuyến: Để giúp đỡ những người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức các lớp chuẩn bị hòa nhập cộng đồng cho những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, trang bị những kiến thức cơ bản cho phạm nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc, Từ 2009 đến nay, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã 9 lần ký quyết định đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động học tập tốt trở về với gia đình, cộng đồng làm công dân có ích cho xã hội. Hầu hết người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định và làm ăn lương thiện, nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội là rất thấp (lần đặc xá gần đây nhất năm 2022, tính đến nay mới có 2 người trong tổng số 2.438 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm tỉ lệ 0,08%).
Những kết quả trong các các đợt đặc xá trước đây đã được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao, điều đó tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và pháp luật trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người một cách công bằng, bình đẳng.
PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!