Người chồng chân chất

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay chị về ngôi nhà mới. Nói mới cũng chưa hẳn là đúng, bởi nó là căn nhà đầu tiên của gia đình chị. Dù nhỏ, nhưng căn nhà vẫn là niềm mơ ước của chị.

Suốt gần mười năm, từ khi chị lấy anh, họ thường ở trong căn phòng trọ nhỏ bé mười mấy mét vuông.

Rồi gia đình nhỏ có thêm một đứa con. Chị thỉnh thoảng lo lắng nói vói anh: “Không lẽ nhà mình ở trọ mãi ư? Có một đứa còn có thể ở nhưng hai đứa thì sao?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai anh chị đều là dân lao động nghèo. Chị làm ở công ty may mặc, sáng đi tối về. Còn anh là ở một xưởng đóng giày dép tư nhân.

Một hôm, anh về nói với chị: “Em ạ! Anh vừa mượn được ít tiền làm xưởng riêng nho nhỏ. Anh làm chủ, thuê đứa bạn làm công. Tiền công của bạn anh sẽ trả tùy theo lời lỗ. Nó đồng ý rồi”.

Chị nghe vậy mừng lắm! Anh tuy ít nói nhưng sáng dạ, sản phẩm giày nữ của anh thường được ông chủ khen ngợi, đẹp là đúng khuôn mẫu và hầu như không lỗi.

Khi anh mở xưởng riêng, một số bạn hàng theo anh, đặt hàng anh làm. Do đó, xưởng giày tuy nhỏ, nằm trong ngõ sâu nhưng không thiếu việc.

Vào cuối tháng, anh thường làm bữa cơm mời thợ (sau này anh tuyển thêm hai người nữa), rồi lẩm nhẩm lời lỗ.

Anh nói với chị: “Em ạ, anh sẽ kiếm miếng đất nhỏ ngoại thành, mượn thêm tiền của họ hàng, người thân mua. Anh tính rồi, mình làm ở đâu nếu uy tính họ cũng sẽ đặt hàng. Giờ ở xa thì có xe chở hàng thôi…”.

Anh bàn với chị, công việc ở xưởng ngày càng nhiều, con nhỏ cần mẹ chăm sóc, chị nên ở nhà vừa chăm con, vừa phụ anh.

Kể từ đó, chị vừa ở nhà lo chăm con, lo cơm nước phụ việc cho chồng. Xưởng giày của anh chỉ mới mở vài năm nhưng đã trở nên chật chội.

Đúng lúc đó, anh mượn tiền mua được miếng đất nhỏ ở ngoại thành. Và giờ đây chị đang ở trong ngôi nhà mới, chỉ độ hơn bốn chục mét vuông, có gác lửng.

Bữa cơm mừng nhà mới, anh nói với chị: “Nhà nhỏ nhưng là nhà của chúng ta không phải thuê mướn. Tích cực làm việc thì dăm ba năm nữa chúng ta trả hết nợ em ạ”.

Chị mừng rơi nước mắt, vì chị nghĩ gia đình mình may mắn có nhà, trong khi rất nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh với vợ chồng chị vẫn đang ở phòng trọ chật chội, nóng bức.

Khi chị lấy anh, mẹ chị thở dài: “Nhà mình nghèo, nhà nó nghèo. Hai đứa đều lao động chân tay, không biết thế nào vươn lên đây. Bố mẹ không có gì cho các con cả”.

Chị hồi đó thích anh vì thấy anh chân chất, siêng năng và nhận lời lấy anh chứ chưa nghĩ xa xôi gì. Lấy nhau rồi, lên thành phố lập nghiệp, may mắn là hai vợ chồng siêng năng, anh lại có nghề trong tay nên mới có được nhà cửa như hiện nay.

Điều vui nhất của chị về anh là anh làm gì cũng đặt sự trung thực lên hàng đầu. Lúc đầu mới làm nghề đóng giày, anh thường làm chậm vì kỹ tính.

Nhiều người nói, sao không làm thế này, thế kia cho nhanh, tiền công ăn theo sản phẩm… Những lúc đó, anh chỉ cười và tiếp tục làm kỹ, trau chuốt từng công đoạn.

Ông chủ của anh dù trả công thợ theo sản phẩm nhưng cuối tuần hoặc cuối tháng đều cho anh thêm ít tiền, như ngầm khen thưởng sự cẩn trọng của anh.

Ngay sau ngày anh mở xưởng riêng, ông chủ không giận mà còn có ý kiến khuyên thêm cho anh, tặng ít đồ nghề, vật liệu.

Ông nói: Trong mấy đứa thợ chỉ có anh sẽ sớm ra mở xưởng riêng được thôi. Vì khi làm bất cứ sản phẩm nào, điều quan trọng là phải làm sản phẩm xứng đáng trên cả số tiền mà khách hàng đã bỏ ra. Chỉ có anh mới làm được điều đó. Hơn nữa, anh lúc nào cũng giao hàng cho khách đúng hẹn.

Những ngày này, căn nhà mới của anh chị vừa để ở, vừa nhộn nhịp người làm, người giao nhận hàng. Anh và chị vẫn cố gắng để gia đình ngày càng phát triển về kinh tế, về mọi mặt từ sự lao động cần mẫn, trung thực của mình.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần