70 năm giải phóng Thủ đô

Người dân cần thông tin kịp thời, chính xác

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, con số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao tại Hà Nội và nhiều địa phương khác. Dự đoán con số sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Hà Nội có thể lên tới trên 50.000 ca mỗi ngày…

Do đặc tính của biến thể Omicron, và đặc biệt là do độ bao phủ vaccine cao, nên số ca chuyển nặng phải nhập viện và tử vong vẫn ở trong tầm kiểm soát. Điều đó cũng có nghĩa là số F0 điều trị, cách ly tại nhà cũng tăng cao, chiếm trên 95% số ca mắc.

Tình trạng đó đã tạo áp lực cho hệ thống y tế các phường xã, đồng thời cũng tạo ra cơn sốt các loại kit test, thuốc kháng virus…

Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tình trạng trên đang từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là việc xuất hiện tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội về các loại thuốc điều trị Covid-19, các loại kít xét nghiệm, cách chữa, cách phòng chống… khiến người dân, đặc biệt là các F0 điều trị tại nhà, như lạc giữa trận đồ bát quái. Không khó thấy những thông tin quảng cáo tràn lan về những loại thuốc “chỉ cần uống 3 ngày là âm tính, hết Covid-19", cũng không ít người tự xưng là bác sĩ, lương y… để tư vấn về Covid-19. Vì tâm lý muốn nhanh khỏi bệnh cùng những lý do khác, nhiều người dân đã dễ dàng tin theo và vội vã chia sẻ thông tin khi chưa kiểm chứng. Hậu quả là nhiều người tiền mất, tật mang.

Trong khi đó, ngành Y tế và các cơ quan chức năng đã có hướng dẫn khá đầy đủ về những điều cần thực hiện đối với việc F0 điều trị tại nhà, từ việc xác định F0 nào được điều trị tại nhà, những việc F0 cần làm, cách theo dõi nhịp thở, danh mục thuốc điều trị, cách dùng thuốc hạ sốt… đến việc nhận biết các dấu hiệu suy hô hấp, dấu hiệu bệnh nhân trở nặng cần đi cấp cứu…

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng những thông tin đó cùng nhiều thông tin về công tác phòng chống dịch không phải bao giờ cũng đến được với mỗi người dân một cách đầy đủ, chính xác. Một phần cũng bởi nó khá dài, nặng về chuyên môn. Phần khác, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận những thông tin này trên các kênh truyền thông. Trong khi đó, các thông tin không chính thống lại tiếp cận người dân từ mọi ngả. Cũng có thể nói đó là một trong những nguyên nhân tạo ra tình trạng “loạn” quảng cáo thuốc, đơn thuốc, biện pháp chữa bệnh nói trên, vốn rất sẵn trên mạng xã hội.

Từ thực tế trên, xin thử nêu một số việc cần làm. Trước hết, cần làm sao để những thông tin cần thiết đến được với mỗi người dân một cách kịp thời, chính xác. Chúng ta đã làm rất tốt việc tuyên truyền về sự cần thiết cũng như hướng dẫn thực hiện các biện pháp 5K đến ngưới dân thời gian qua. Cách làm đó đã có tác dụng tốt trong phòng chống dịch bệnh. Nếu 9 điều cần biết về điều trị F0 tại nhà được cô đọng lại cho dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng được tuyên truyền tốt như với thông điệp 5K chắc người dân sẽ dễ tiếp cận và thực hiện hơn, không bị nhiễu loạn bởi những thông tin không chính xác.

Mặt khác, theo Nghị định 101/2020 của Chính phủ, người đưa thông tin sai sự thật về Covid-19 có thể bị phạt tiền lên tới hàng trăm triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù đến 7 năm. Chúng ta đã có những biện pháp ngăn ngừa, răn đe và trong thực tế đã xử phạt những người có hành vi nói trên.

Liệu có nên coi những người đưa thông tin sai về thuốc kháng virus, về cách điều trị… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân là những đối tượng vi phạm cần nghiêm khắc xử lý?

Đưa thông tin đến với người dân kịp thời, chính xác, đồng thời ngăn chặn tình trạng nhiễu loạn thông tin là việc làm cần thiết góp phần phòng chống đại dịch một cách an toàn, hiệu quả.