Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân đã hài lòng hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/4, kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đã được công bố.

Đây là kết quả nghiên cứu chung của MTTQ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) và Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP).

Chỉ số PAPI được đo lường trên 6 lĩnh vực bao gồm sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính (TTHC) công và cung ứng dịch vụ công.

Tăng mức độ hài lòng

Chỉ số năm 2014 cho thấy, lĩnh vực này đạt điểm số cao nhất và mức độ hài lòng của người dân đã tăng lên. TS Đặng Hoàng Giang - Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng cho biết, chỉ số về TTHC công năm 2014 đã tăng lên so với những năm trước, cho thấy công cuộc cải cách hành chính trong những năm vừa qua có đem lại kết quả, người dân hài lòng hơn. Các tỉnh phía Nam bắt đầu mạnh hơn, cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Cụ thể, người dân khá hài lòng đối với dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương. Có tới khoảng 70% số tỉnh, TP trên toàn quốc đạt điểm khá ở chỉ tiêu về chất lượng của dịch vụ này. Đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoảng 80% cho biết họ không phải “qua nhiều cửa” mới làm xong thủ tục.
Trả kết quả tại Bộ phận một cửa Viện Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.  	Ảnh: Thanh Hải
Trả kết quả tại Bộ phận một cửa Viện Quy hoạch kiến trúc Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Ông Samuel Wealty - Giám đốc Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ Sĩ, cho rằng mặc dù lĩnh vực TTHC được người dân đánh giá cao hơn nhưng vẫn thay đổi chậm và sự hài lòng của người dân về hệ thống hành chính công chưa được cải thiện nhiều.

Mạnh mẽ hơn trong chống tham nhũng
Chỉ số PAPI ngày càng được coi trọng, là công cụ hữu ích, ít nhất 16 tỉnh, thành ra văn bản chỉ đạo điều hành và kết quả hành động nhằm khắc phục yếu kém, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Tư pháp đã sử dụng chỉ số này trong báo cáo thẩm tra… Đây cũng là “tấm gương” để chính quyền soi vào nhằm điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của người dân.
Bà Pratibha Mehta
Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam
Một điều đáng lưu ý mà các chuyên gia cảnh báo khi công bố chỉ số PAPI 2014 là chỉ số về kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công, các chỉ số cho thấy tham nhũng trong lĩnh vực công tồn tại dai dẳng, có xu hướng gia tăng và cần có biện pháp mạnh mẽ hơn khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn. Cụ thể, hầu như không có địa phương nào đạt được điểm hoàn hảo, tình trạng người dân phải chi thêm ngoài quy định khi sử dụng dịch vụ y tế và giáo dục công lập khá phổ biến. Chẳng hạn, ở Thái Nguyên, chỉ có 12% người được hỏi cho rằng họ không cần phải đưa lót tay để xin việc làm trong khu vực công ở địa phương, còn tại Hà Giang, không có vị trí nào trong dịch vụ công ở cấp cơ sở là không cần đến quan hệ cá nhân.

Vấn đề công khai minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở cấp cơ sở được cho là chưa có sự cải thiện. Kết quả năm 2014 cho thấy, chỉ có 16% số người được hỏi trên toàn quốc cho biết họ được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay ở địa phương, giảm so với tỷ lệ 20% của năm 2011; 1/5 số hộ bị thu hồi đất chưa nhận được bất cứ bồi thường nào. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng ghi nhận kết quả đạt được từ việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 khi số người bị thu hồi đất trong năm 2014 đã giảm so với những năm trước.