Người dân Nhật Bản gặp khó bởi luật đổi họ sau kết hôn

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định đổi họ sau khi kết hôn được cho đã gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống, công việc và cản trở sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, vợ chồng sau khi kết hôn phải dùng chung họ. Quy định này bắt nguồn từ hệ thống hộ tịch koseki của Nhật Bản và được Bộ luật Dân sự quy định từ năm 1898. Thống kê cho thấy, gần như tất cả các cặp vợ chồng Nhật Bản đều lấy họ của người chồng.

Tuy nhiên, điều này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân là  do luật này gây khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt lao động hiện nay.

Ngày 27/6, hàng chục người Nhật đã đến Tòa án quận Tokyo để phản đối về luật đổi họ. Ảnh: Nikkei Asia
Ngày 27/6, hàng chục người Nhật đã đến Tòa án quận Tokyo để phản đối về luật đổi họ. Ảnh: Nikkei Asia

Nhật Bản là nước phát triển duy nhất trên thế giới còn bắt buộc vợ chồng phải dùng chung họ. Quy định này đã bị Liên Hợp Quốc lên án nhiều lần vì vi phạm quyền cơ bản của phụ nữ.

Trong bối cảnh già hóa dân số và thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng, các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại đây là một rào cản lớn ngăn phụ nữ đạt được thăng tiến trong sự nghiệp. 

Ở vị trí giám đốc điều hành công ty tại Aida Sekkei, cô Masumi Abe đang đối mặt với những thách thức trong vấn đề này.

Vào 6 năm trước, họ của Abe là Okada. Tuy nhiên, sau khi kết hôn với chồng thứ hai, cô buộc phải đổi họ trên tất cả các giấy tờ chính thức một lần nữa.

Việc phải đổi họ trên nhiều giấy tờ công ty sau khi kết hôn đã gây ra nhiều rắc rối cho Abe. Cô cho rằng quá trình này vô cùng mệt mỏi, lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc.

“Đó là một cơn ác mộng thực sự. Tôi cảm thấy mình như một gánh nặng cho công ty” - cô chia sẻ.

Bất mãn với điều luật này, Abe đã dẫn đầu một chiến dịch kêu gọi thay đổi luật hôn nhân ở Nhật Bản. Chiến dịch này nhằm mục đích cho phép vợ chồng được giữ họ riêng sau khi kết hôn, thay vì dùng chung họ.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản, bao gồm cả Keidanren (Liên đoàn các hiệp hội kinh tế Nhật Bản), đã tham gia vào chiến dịch này và kêu gọi chính phủ sửa đổi luật pháp. Họ cho rằng quy định hiện tại gây bất lợi cho phụ nữ và cản trở sự phát triển kinh tế.

Báo cáo Khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2024 cho thấy Nhật Bản xếp hạng rất thấp so với các nước phát triển khác về bình đẳng giới. Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí quản lý tại các công ty Nhật Bản chỉ bằng 1/3 so với các nước như Singapore và Mỹ.

Aono, Chủ tịch của Cybozu, cho rằng quy định đổi họ là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Nhật Bản trì trệ trong nhiều thập kỷ qua. Việc sửa đổi luật lệ này là điều cấp bách để nền kinh tế Nhật Bản có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.

Khi kết hôn, ông Aono đã đổi sang họ của vợ. Tuy nhiên, việc này đã gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống và công việc, đặc biệt là trong các vấn đề hành chính.

“Mỗi khi ký tài liệu, đội ngũ nhân viên phải nghiên cứu xem tôi nên sử dụng họ nào” - Aono nói. Việc tên trên danh thiếp không trùng với giấy tờ tùy thân khiến ông Aono còn gặp nhiều rắc rối khi đi công tác nước ngoài, đặc biệt là khi làm thủ tục tại khách sạn và sân bay.

Năm 2021, ông đã đưa vấn đề này lên Tòa án tối cao nhằm mục đích thay đổi luật hôn nhân hiện hành của Nhật Bản, cho phép vợ chồng được giữ họ riêng.

Do đó, việc sử dụng họ tên cũ đã trở thành giải pháp phổ biến của nhiều người mặc dù có nhiều bất tiện.

Theo khảo sát của Keidanren, 82% người được khảo sát cho biết muốn giữ lại họ của mình sau khi kết hôn.

Ngoài ra, 69% công chúng Nhật Bản ủng hộ việc cho phép vợ chồng chọn họ - theo khảo sát của Nikkei.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản hiện vẫn chưa có kế hoạch sửa đổi luật.

Ueda và chồng sống chung 11 năm nhưng chưa đăng ký kết hôn hợp pháp vì cả hai đều không muốn đổi họ. Điều này gây khó khăn cho họ trong nhiều việc như: vay vốn, đi du lịch nước ngoài và đặc biệt là trong việc nuôi dạy con.

Ueda chia sẻ: “Việc các doanh nghiệp lên tiếng sẽ là đòn bẩy cuối cùng để thúc đẩy sự thay đổi. Nhật Bản không thể trì hoãn việc này thêm nữa.”