Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân vùng dự án thép Hòa Phát - Dung Quất: Bao giờ được tái định cư?

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều cuộc họp dân cũng như rất nhiều văn bản có liên quan đã được ban hành, nhưng đến nay, hàng trăm hộ dân vùng dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát mở rộng, vẫn không biết khi nào được tái định cư để ổn định cuộc sống.

Đợi chờ mòn mỏi
Nằm ở vùng quy hoạch phát triển công nghiệp nặng với nhiều bất an về ô nhiễm môi trường, nhưng hàng trăm hộ dân ở khu vực di dời để tạo quỹ đất sạch 115ha phục vụ dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát mở rộng và các dự án vệ tinh, xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn đang mỏi mòn chờ tái định cư.
Người dân xã Bình Thuận trong một cuộc họp lấy ý kiến về tái định cư vào tháng 11/2019.
Suốt hơn 2 năm qua, ông Nguyễn Kỳ (thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận) không nhớ nổi đã tham dự bao nhiêu cuộc họp liên quan đến tái định cư. Gia đình ông thuộc diện những hộ dân nằm sát dự án thép Hòa Phát được ưu tiên di dời trước tiên, thế nhưng đến tận bây giờ vẫn không biết đích xác khi nào được ổn định chỗ ở.
"Chúng tôi được phép chọn tái định cư trong các khu dân cư hiện hữu tại khu kinh tế Dung Quất, hoặc đợi vào khu dân cư trong khu đô thị Vạn Tường, đồng thời được hứa sẽ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trong khi chờ đợi bố trí tái định cư… nhưng mãi không thấy đâu”, ông Kỳ phản ánh.
Theo ông Kỳ, dù được quyền chọn tái định cư trong các khu dân cư hiện hữu nhưng ông lại quyết định chọn đợi tái định cư ở khu đô thị Vạn Tường (địa bàn xã Bình Hải).
Cùng chung tâm trạng bức xúc vì chờ đợi quá lâu, bà Nguyễn Thị Nghĩ gay gắt: "Hứa mãi mà không thấy làm, chẳng biết khi nào mới được đi để ổn định cuộc sống. Mà ở gần nhà máy thường xuyên xảy ra tình trạng có mùi khó chịu, hôi, khét”.
 Phối cảnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất.
Cho rằng nguyên nhân mùi khét là do hoạt động sản xuất của nhà máy, người dân xã Bình Thuận đã nhiều kéo đến cổng nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất yêu cầu giải quyết, đồng thời kiến nghị sớm được tái định cư.
Phản ánh với Kinh tế & Đô thị, rất nhiều người dân cho biết, phát triển công nghiệp thì khó tránh khỏi các vấn đề về môi trường, chỉ mong muốn ngành chức năng trả lời dứt khoát khi nào được tái định cư.
Ông Ngô Văn Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Đông chia sẻ: “Tại địa phương, chúng tôi thường xuyên nghe than phiền của người dân. Chính quyền, ngành chức năng từ trên xuống dưới đã có rất nhiều văn bản, không thiếu thứ gì, nhưng mãi không thấy thực hiện”.
Bao giờ được tái định cư?
Theo ông Hà Đức Thắng - Phó Trưởng Ban quản lý khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Ngãi, việc làm khu tái định cư là trách nhiệm của nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì doanh nghiệp ứng trước tiền để nhà nước làm tái định cư, sau đó trừ vào tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
“Đối với dự án của Hòa Phát - Dung Quất, hiện có 48 hộ dân sát nhà máy đăng ký vào khu dân cư hiện hữu, trong đó 21 hộ thuộc 6 phương án tái định cư vào một số khu dân cư hiện hữu như: Cà Ninh, Mẫu Trạch… đã được phê duyệt. Còn vùng định cư tập trung cho khoảng 300 hộ dân thuộc vùng dự án vào khu đô thị Vạn Tường, ban đã kiến nghị tỉnh giao cho ban hoặc UBND huyện Bình Sơn làm chủ đầu tư”, ông Thắng thông tin.
Một góc khu dân cư đập Cà Ninh.
Thực tế ghi nhận tại các khu dân cư hiện hữu, chỉ có khu dân cư Cà Ninh (xã Bình Đông), thuộc dự án kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền - đập Cà Ninh là nằm gần khu vực di dời để tạo quỹ đất sạch 115 ha phục vụ dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát mở rộng và các dự án vệ tinh (xã Bình Thuận) nhất.
Đồng thời, nơi đây cũng thuận lợi cho ngành nghề khai thác thủy sản của bà con nhưng “tréo ngoe” thay, lại chỉ có vài người dân lựa chọn. Được biết, khu dân cư này có quy mô 65ha với hơn 1.000 lô tái định cư, tổng mức đầu tư trên 695 tỷ đồng. Hiện tại đã có trên 400 lô đủ điều kiện bố trí cấp đất tái định cư.
“Người dân muốn được vào khu đô thị Vạn Tường để thành khu tái định cư tập trung thì không thể áp đặt, đó là sự lựa chọn của họ”, ông Thắng lý giải.
“Còn việc hỗ trợ tiền thuê nhà trong khi chờ tái định cư với mức 2,2 triệu đồng/hộ/năm, chỉ hộ nào bàn giao lại mặt bằng thì mới được nhận hỗ trợ, việc này nhằm tránh trường hợp còn ở trong vùng dự án mà vẫn nhận tiền”, Phó Trưởng Ban quản lý KKT và các KCN tỉnh Quảng Ngãi thông tin.
Đáng chú ý, theo ông Hà Đức Thắng, “vướng” nhất trong công tác tái định cư thời gian qua chính là tỉnh Quảng Ngãi chậm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020 - 2025, đồng thời chưa có kế hoạch sử dụng đất nên việc bồi thường, tái định cư hầu như "bất động", không có căn cứ để thực hiện.
Về phía Công ty cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, đơn vị này cho biết sẵn sàng tự nguyện ứng trước kinh phí để đầu tư thực hiện dự án tái định cư cho người dân có nguyện vọng tái định cư trong khu đô thị Vạn Tường, khi đã có đầy đủ căn cứ pháp lý.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lý Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn khẳng định: “Tái định cư cho dân là việc làm tất yếu, cần tiến hành nhanh, để vừa thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa đảm bảo cuộc sống của người dân”.
Theo ông Thọ, khu dân cư đập Cà Ninh sắp hoàn thiện, cách chỗ ở cũ của người dân chỉ vài km nhưng người dân muốn ra khu đô thị Vạn Tường cách đó hàng chục km. Tuy nhiên, hiện tại ở khu đô thị Vạn Tường, phần diện tích xây dựng khu dân cư phục vụ tái định cư vẫn còn nguyên trạng, chưa được giải phóng mặt bằng, do đó việc tái định cư cho người dân chắc chắn sẽ còn kéo dài.
 Hiện trạng khu dân cư phục vụ tái định cư ở khu đô thị Vạn Tường.
Được biết, khu dân cư trong khu đô thị Vạn Tường phục vụ nguyện vọng tái định cư của người dân thuộc diện di dời từ mặt bằng tạo quỹ đất sạch 115ha, xã Bình Thuận có diện tích khoảng 13,4ha; mức đầu tư dự kiến khoảng 150 tỷ đồng.
“Sau khi tỉnh Quảng Ngãi ban hành giá đất cũng như xác định đơn vị nào làm chủ đầu tư thì công trình này mới có tiến triển. Tuy nhiên, dù làm theo diện khẩn cấp thì ít nhất phải hơn 1 năm mới xong", ông Thọ chia sẻ.
Thực tế với sự lựa chọn tái định cư ở khu vực dự án còn chưa triển khai như hiện nay, việc ổn định cuộc sống người dân ở khu vực di dời để tạo quỹ đất sạch 115ha phục vụ dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát mở rộng và các dự án vệ tinh, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp sẽ vẫn là chặng đường dài mới đến đích.