Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân xếp hàng từ sáng sớm để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sáng sớm 25/7, rất nhiều người dân đã có mặt tại khu vực ngã tư phố Trần Thánh Tông giao với Trần Hưng Đạo, Hà Nội để xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, theo thông báo Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ sáng nay (25/7), nhưng ngay từ sáng sớm, những dòng người mỗi lúc một đông, yên lặng hướng về Nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội để chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân xếp hàng quét mã QR để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân xếp hàng quét mã QR để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhiều người dân cho biết, họ theo dõi thông tin qua báo chí về thời gian bắt đầu Lễ viếng, nên đã sắp xếp công việc để có mặt từ sớm và tất cả lặng yên trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự mất mát to lớn của cả dân tộc.

Đang đứng trên vỉa hè tại ngã tư Lê Thánh Tông – Trần Hưng Đạo gần khu vực trước Nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông, bà Trần Kim Thảo (ở Mỹ Đình) chia sẻ: "Từ khi nghe tin đồng chí Tổng Bí thư từ trần, cả hai vợ chồng tôi tưởng chừng như mất đi một người thân yêu trong gia đình. Chúng tôi luôn rất trân trọng những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng góp trong suốt sự nghiệp của mình để đất nước ta có được thành quả, vị thế như ngày hôm nay".

Cũng có mặt tại đây từ sớm và đang cầm trên tay bức ảnh được chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Lê Thị Cần (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết: "Thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi đang làm việc tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Chúng tôi là những người cao tuổi, dẫu hiểu sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của cuộc sống nhưng sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư đã để lại trong tôi nỗi xúc động, bồi hồi".

"Cả cuộc đời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến đến giây phút cuối cùng cho Đảng, đất nước và Nhân dân. Vợ chồng tôi cùng nhau đến đây sớm, mong được thắp nén hương để bày tỏ niềm thành kính, tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư" - bà Lê Thị Cần xúc động nói.

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân dùng CCCD để đăng ký vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân dùng CCCD để đăng ký vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Khi chia sẻ về niềm tiếc thương với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị Nguyễn Thị Thêm (quê Quảng Trị hiện đang làm việc tại Hà Nội) cho biết: "Tôi cùng bạn đã có mặt tại đây từ sớm để đăng ký vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù biết trước sẽ có rất đông người cùng đến viếng Tổng Bí thư, tôi vẫn muốn đến đây để tỏ lòng thành kính đối với một nhà lãnh đạo rất có tài, có tâm, luôn hết lòng, hết sức vì Nhân dân. Nếu sáng nay chưa thể viếng được, ngày mai tôi sẽ quay lại đây đứng bên ngoài để tiễn Tổng Bí thư lần cuối. Tôi cũng mong rằng thời tiết sẽ thuận lợi để cho các đoàn và người dân được tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối".

Vợ chồng bà Lê Thị Cần cầm theo đến địa điểm viếng bức ảnh chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Vợ chồng bà Lê Thị Cần cầm theo đến địa điểm viếng bức ảnh chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Theo ghi nhận của phóng viên, bên ngoài khu vực tại ngã tư Lê Thánh Tông – Trần Hưng Đạo gần khu vực trước Nhà tang lễ Quốc gia, ngay từ sáng sớm, lực lượng công an giao thông, cảnh sát cơ động và thanh niên tình nguyện đã có mặt để tổ chức phân luồng, đảm bảo giao thông và hỗ trợ người dân quét mã QR trên CCCD để vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.

Khu vực hướng dẫn người dân quét mã QR trên CCCD để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Khu vực hướng dẫn người dân quét mã QR trên CCCD để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo thông tin từ Thành đoàn Hà Nội, với những tình cảm của tuổi trẻ Thủ đô đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay sau khi thông tin về việc tổ chức Lễ Quốc tang được công bố, nhiều thanh niên Thủ đô đã bày tỏ mong muốn được đăng ký làm tình nguyện viên tham gia phục vụ các nội dung trong thời gian diễn ra Lễ Quốc tang. Con số đăng ký tham gia phục vụ là trên 4.000 tình nguyện viên.

Thanh niên tình nguyện An Quang Anh (đầu tiên bên trái) tham gia hỗ trợ tại khu vực gần Nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông. 
Thanh niên tình nguyện An Quang Anh (đầu tiên bên trái) tham gia hỗ trợ tại khu vực gần Nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông. 

Có mặt tại đây làm công tác hỗ trợ, thanh niên tình nguyện An Quang Anh cho biết: "Em có mặt tại đây từ 4 giờ sáng và nhiệm vụ của em là hỗ trợ các đồng chí công an trong việc hướng dẫn người dân xếp hàng và quét mã QR vào viếng".

Liên quan công tác phân luồng, đảm bảo giao thông tại khu vực này, Trung tá Nguyễn Thanh Hải - cán bộ Đội cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội) cho biết, để bảo đảm tuyệt đối Lễ Quốc tang được diễn ra thuận lợi, an toàn, công tác bảo vệ đã được lực lượng Đội cảnh sát giao thông số 1 đặt lên mức cao nhất.

Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng tại ngã tư Lê Thánh Tông – Trần Hưng Đạo gần khu vực trước Nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng tại ngã tư Lê Thánh Tông – Trần Hưng Đạo gần khu vực trước Nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Theo đó, từ 4 giờ sáng nay, Đội cảnh sát giao thông số 1 đã triển khai các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các ngã tư và địa điểm quan trọng. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông để phục vụ các đoàn khách trong nước, quốc tế và người dân đến viếng cũng như ngày truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Qua đánh giá sơ bộ sáng  25/7 cho thấy, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tình hình giao thông diễn ra bình thường và các phương tiện lưu thông được đảm bảo.