Người di cư trên thế giới rơi vào tình trạng ngày càng khốn khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây ra hậu quả nặng nề đối với kinh tế các nước phát triển.

KTĐT - Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây ra hậu quả nặng nề đối với kinh tế các nước phát triển, đặc biệt trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhập cư như xây dựng, công nghiệp và du lịch.

Ngày 4/11, phát biểu khai mạc Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển (GFMD) lần thứ ba diễn ra tại thủ đô Athens, Hy Lạp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu đang đẩy khoảng 214 triệu người di cư trên toàn thế giới vào tình trạng ngày càng tồi tệ.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây ra hậu quả nặng nề đối với kinh tế các nước phát triển, đặc biệt trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhập cư như xây dựng, công nghiệp và du lịch. Chính vì vậy, thu nhập của đối tượng này giảm sút nghiêm trọng và lượng kiều hối trên toàn cầu gửi về nước trong năm 2009 sẽ giảm từ 7%-10%.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn. Theo ông, khoảng 10% dân số thế giới đang sinh sống tại các khu vực duyên hải sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề do mực nước biển tăng lên. Biến đổi khí hậu gây ra các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và hạn hán, kéo theo những làn sóng di cư mới.

Để ngăn chặn hiện tượng này, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nêu rõ cộng đồng quốc tế "cần phải hành động khẩn cấp và đạt được thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, Đan Mạch vào tháng tới. Ông đồng thời kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp bảo vệ người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Đại diện của 130 nước và 40 tổ chức quốc tế tham dự GFMD nhằm thảo luận các biện pháp sử dụng lực lượng lao động di cư để phát triển xã hội. GFMD được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và kéo dài hai ngày.

Phát biểu trên của Tổng Thư ký Ban Ki-moon được đưa ra sau khi ông tỏ ý hoài nghi về triển vọng Hội nghị Copenhagen đạt được một thỏa thuận bắt buộc về mặt pháp lý liên quan tới việc cắt giảm khí thải nhà kính.

Tờ Times của Anh ngày 4/11 dẫn lời ông cho biết một thỏa thuận như vậy không còn là một mục tiêu thực tế tại hội nghị tới./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần