Người lái đò nơi “ốc đảo” Hồng Lam

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho dù nắng mưa, hay mùa Đông rét buốt, con thuyền vẫn đều đặn chở người đi về “ốc đảo” Hồng Lam. Gắn bó với nghề, bao kỷ niệm vui buồn nếm trải, người đàn ông ấy vẫn vững niềm tin, thầm lặng đưa người vượt sông Lam, cập bến an toàn.

Bao đời nay thuyền là phương tiện duy nhất qua lại “ốc đảo” Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân
Bao đời nay thuyền là phương tiện duy nhất qua lại “ốc đảo” Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân

Bén duyên với nghề

Trời chạng vạng sáng, tiếng máy nổ xình xịch như muốn xua tan màn đêm trên sông Lam, đó là lúc thuyền của ông Trần Đình Huynh cập bến. Mùa này nước sông Lam dâng cao, hơi nước bốc lên những màn sương mờ ảo khiến khúc sông chảy qua làng nổi Hồng Lam như dài rộng hơn so với ngày thường.

Ông Trần Đình Huynh tận tình giúp đỡ Nhân dân đưa phương tiện, đồ đạc xuống thuyền an toàn
Ông Trần Đình Huynh tận tình giúp đỡ Nhân dân đưa phương tiện, đồ đạc xuống thuyền an toàn

Mỏ neo cắm phịch xuống sông, ông Huynh nhanh chóng lội xuống nước lấy 2 tấm ván bắc từ thuyền lên bờ rồi giúp đỡ khách đưa xe máy, xe đạp và một ít hàng hóa xuống bến an toàn. Tiếng nói cười rôm rả, bến sông như vui hơn, báo hiệu một ngày mới tốt lành sẽ đến.

Qua tìm hiểu được biết, ông Huynh quê ở làng “ốc đảo” Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Sau nhiều năm gắn bó trong quân đội, năm 1993, ông rời quân ngũ trở về quê hương, lúc đó cũng là thời điểm rất nhiều người dân trong làng di cư vào miền Nam sinh sống.

Ánh mắt xa xăm, ông Huynh kể, ở thôn Hồng Lam đất sản xuất lạc, trồng cói rất tốt. Tuy nhiên, do bốn bề sông nước, đi lại bất tiện, việc tiêu thụ nông sản khó khăn nên làn sóng ly hương cứ tăng dần. Bẵng đi một thời gian, hầu như trong làng không còn thanh niên trai tráng, mà chỉ còn lại người già và một số trẻ nhỏ bố mẹ gửi lại nhờ ông bà chăm sóc. 

Thời điểm đó, chưa có thuyền máy như bây giờ. Để ra được “ốc đảo” Hồng Lam, thuyền phải chèo qua khúc sông rộng hơn 700 mét, nên một số người già không thể cáng đáng công việc. Xóm làng vốn dĩ đã biệt lập, lại càng xa cách, vì vậy, từ năm 2007 ông đã tự nguyện đứng ra chèo thuyền giúp dân cho đến hôm nay.

Sức khỏe, kỹ năng và sự tận tụy là phẩm chất giúp ông Huynh gắn bó lâu dài với nghề chèo đò
Sức khỏe, kỹ năng và sự tận tụy là phẩm chất giúp ông Huynh gắn bó lâu dài với nghề chèo đò

Hơn 10 phút sau, thuyền tiếp tục nổ máy trở về “ốc đảo” Hồng Lam. Theo ông Huynh, dù khách trên thuyền ít hay nhiều thì đến giờ cũng phải nhổ neo, vì bên kia sông còn có người cần đi nếu để họ chờ đợi lâu không tiện. Thời tiết thuận lợi thì không sao, nhiều lúc mưa gió, đêm hôm hoặc trong thôn xóm có người ốm đau đột xuất, phụ nữ trở dạ… vẫn phải đưa họ vượt sông an toàn, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm.

15 năm gắn bó với nghề lái đò, có lẽ ông Trần Đình Huynh thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, cực nhọc và cả những niềm vui mà nghề đưa tiễn khách sang sông mang lại. Đến với nghề như một cơ duyên, đổi lại giờ đây ở “ốc đảo” Hồng Lam mọi người luôn tôn trọng, gọi ông bằng cái tên trìu mến “Ông Huynh chèo đò”.

Còn sức khỏe, còn cống hiến

Mặt trời nhô lên, xua tan màn sương dày đặc. Lúc này khách đi thuyền cũng đã thưa dần, các chuyến giãn ra, không còn liên tục như từ sáng sớm. Trong lúc chờ đợi, ông Trần Đình Thành quê ở thôn Hồng Lam cho biết, từ trước đến nay có nhiều người chèo đò, nhưng rồi vì lý do sức khỏe hoặc nhu cầu mưu sinh nên không ai gắn bó lâu dài, chỉ có ông Huynh là người cầm lái lâu năm nhất.

“Trước đây, chèo thuyền trả công bằng lương thực, còn giờ đây mỗi chuyến đi về là 5.000 đồng/ người, đó là số tiền mà mọi người trong thôn tự nguyện đưa ra để trả công, chi phí xăng dầu cho ông Huynh. Còn với người già yếu, neo đơn thì ông Huynh luôn tạo điều kiện cho đi, không lấy bất cứ một chi phí nào”, ông Trần Đình Thành tự hào chia sẻ.

Mỗi chuyến đò vượt sông Lam an toàn mang đến nhiều tình cảm, niềm vui cho người dân, du khách
Mỗi chuyến đò vượt sông Lam an toàn mang đến nhiều tình cảm, niềm vui cho người dân, du khách

Ngồi bên cạnh, bà Ngô Thị Soa nói xen vào, ông Trần Đình Huynh chèo thuyền chủ yếu là để giúp đỡ cư dân nơi “ốc đảo”, chứ công cán có đáng là bao. Chi phí xăng dầu, tu sửa thuyền, máy móc đôi khi lại còn bị âm, nhưng ông ấy vẫn không nề hà, so bì hơn thiệt. Đó là phẩm chất của ông Huynh mà chúng tôi luôn trân quý. 

Thuyền cập bến rồi lại nhổ neo, cứ thế con thuyền đều đặn qua lại giữa dòng sông Lam. Gần trưa, mặt trời bắt đầu đứng bóng, nhưng cảm giác trong khoang thuyền vẫn mát rượi, bởi từng luồng gió từ Cửa Hội thổi về. Thuyền là nhà, sông nước quê hương tươi đẹp gắn bó với người lái đò là vậy.

Trầm tư trong chốc lát, ông Huynh cho biết, làm nghề lái đò lâu ngày thấy rất vui và ý nghĩa, nếu trời còn cho sức khỏe thì tôi sẽ tiếp tục cống hiến. Nghe nói sắp tới có dự án đầu tư du lịch, hy vọng sẽ trở thành hiện thực để người dân nơi “ốc đảo” Hồng Lam có cầu bắc qua sông, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ông Trần Đình Huynh căn dặn nội quy bến bãi cũng như lúc lên thuyền đảm bảo an toàn cho mọi người
Ông Trần Đình Huynh căn dặn nội quy bến bãi cũng như lúc lên thuyền đảm bảo an toàn cho mọi người

Sóng nước sông Lam dào dạt. Nghề lái đò nơi “ốc đảo” Hồng Lam có lẽ chỉ bén duyên lâu dài với những ai dám gác lại hạnh phúc riêng tư, vì cuộc sống cộng đồng cao cả. Ông Huynh là thế, sự mộc mạc, giản dị là tính cách, lẽ sống để ông vững vàng ý chí, niềm tin, chèo lái con thuyền vượt qua bao sóng gió, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho Nhân dân.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang Nguyễn Phi Thường cho biết, sau nhiều đợt ly hương vào miền Nam sinh sống, giờ đây thôn Hồng Lam còn 160 hộ dân với hơn 450 nhân khẩu, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ. Ông Trần Đình Huynh không chỉ tận tụy chèo đò phục vụ Nhân dân, mà còn gương mẫu tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới.

Ông Trần Đình Huynh góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới
Ông Trần Đình Huynh góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới

Rời bến sông nơi “ốc đảo” Hồng Lam, tạm biệt cựu chiến binh Trần Đình Huynh với cái bắt tay thật chặt và nụ cười thân thiện. Tôi cảm nhận, giữa bốn bề sông nước mênh mông, tình cảm, trách nhiệm giữa người lái đò với Nhân dân, du khách mãi còn đọng lại, vương vấn như bến với thuyền.