Người Lào Thưng vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực biên giới tỉnh Hà Tĩnh có nhiều người dân tộc Lào Thưng sinh sống, họ như cây rừng cắm rễ, hồi sinh góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào anh em.

Khu dân cư nông thôn mới Kim Quang, xã Quang Thọ nơi có nhiều người dân tộc Lào Thưng sinh sống
Khu dân cư nông thôn mới Kim Quang, xã Quang Thọ nơi có nhiều người dân tộc Lào Thưng sinh sống

Vượt Trường Sơn cắm bản

Hai nước Việt Nam - Lào, núi sông liền một dải. Trải qua các cuộc chiến tranh, những lần di cư vượt dãy Trường Sơn khai phá miền đất mới, nhiều vùng biên giới ở tỉnh Hà Tĩnh trở thành nơi sinh sống của người dân tộc Lào Thưng. Định cư trên đất Việt, các thế hệ con cháu người Lào vẫn không nguôi nhớ về đất nước triệu Voi tươi đẹp.

Ở vào tuổi “thất thập xưa nay hiếm”, hai vợ chồng ông Vi Xuân Cảnh, bà Phan Thị Lừng (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) vẫn còn minh mẫn. Ông Cảnh cho biết, bố ông là Vi Xuân Lạp (mất năm 1970), người Lào Thưng ở bản Na Ka Đốc, huyện Căm Cợt, tỉnh Bôlykhamxay (Lào).

Cuộc sống đầm ấm của gia đình ông Vi Xuân Cảnh bà Phan Thị Lừng, người dân tộc Lào Thưng ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang.
Cuộc sống đầm ấm của gia đình ông Vi Xuân Cảnh bà Phan Thị Lừng, người dân tộc Lào Thưng ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang.

“Trước đây, do đói triền miên và chiến tranh tàn phá, một bộ phận người Lào Thưng di cư sang đất Việt rồi hình thành nên bản làng nơi biên giới, trong đó, có gia đình ông. Bẵng đi một thời gian, sau này, tôi mới có điều kiện trở về bản Na Ka Đốc tìm gặp người họ Vi. Qua những cuộc hội ngộ, sum vầy, từ đó, tình cảm của các gia đình mang họ Vi hai bên biên giới được gắn bó khăng khít hơn” - ông Cảnh bộc bạch.

Còn bà Phan Thị Lừng, khi còn nhỏ được học tiếng Lào, hát bài hát Lào nên giờ đây bà có thể nói chuyện với người Lào một cách khá lưu loát. Bà Lừng nhớ lại, những lần theo mẹ lên nương rẫy, hầu như các bài hát về lao động, sản xuất, ca ngợi tình yêu nam nữ của người Lào Thưng được bà thuộc lòng cho đến hôm nay.

“Trong số 86 hộ với hơn 300 nhân khẩu người dân tộc Lào Thưng, chỉ có một số người già biết nói tiếng Lào trọ trẹ, còn biết hát tiếng Lào chỉ có bà là người duy nhất. Vì vậy, mỗi dịp lễ Tết, hay những lúc qua lại thăm thân, tôi thường hát những bài hát Lào để lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa của người Lào Thưng nơi núi rừng biên giới” - bà Lừng tự hào chia sẻ.

Video: Bà Phan Thị Lừng hát bài Xao noi (ca ngợi vẻ đẹp, sự đảm đang của người con gái Lào.

Qua những câu chuyện kể cảm động của ông Cảnh, bà Lừng và một số người cao tuổi về công cuộc di cư của người Lào Thưng, mới thấu hiểu sức sống bền bỉ, khát vọng vươn lên trên đất Việt. Hẳn trong chiến tranh, dãy Trường Sơn hùng vĩ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, các bộ tộc Lào anh em, trong đó, người Lào Thưng đã có những công lao đóng góp to lớn vì nền độc lập, tự do của hai nước Việt Nam - Lào.

Hòa vào dòng máu Việt    

Dọc núi rừng biên giới tỉnh Hà Tĩnh, nhiều nơi có người dân tộc Lào Thưng sinh sống, trong đó, đông nhất là ở huyện Vũ Quang và huyện Hương Khê. Điều dễ cảm nhận, người dân tộc Lào Thưng thường dựng nhà ở sát nhau, khai phá đồng ruộng, nương rẫy gần nhau để canh tác. Điều đó thể hiện rõ lối sống quần cư, tụ họp của người Lào Thưng được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Giữa thung lũng núi rừng trùng điệp, ngôi nhà của ông Nai Hòe ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê luôn đầy ắp niềm vui. Bởi trong tình cảm của cộng đồng người Lào Thưng (62 hộ, 124 nhân khẩu người Lào Thưng), còn có sự đùm bọc, sẻ chia của Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.

“Trước đây, người Lào Thưng thường vào rừng sâu chặt gỗ, săn bắt muông thú, nay tất cả đều đã thay đổi nhận thức, không còn phá rừng, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Thay vào đó, bà con luôn chăm lo lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Gia đình tôi hiện gieo trồng 2 sào lúa, kết hợp làm trang trại chăn nuôi trâu bò, trồng cam, bưởi, trồng keo… mỗi năm trừ chi phí còn thu về trên 150 triệu đồng” - ông Nai Hòe tự hào cho biết.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Gia động viên ông Nai Hòe phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Gia động viên ông Nai Hòe phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Bao năm tháng trôi qua, hết nắng hạn lại đến mưa nguồn, suối lũ, người dân tộc Lào Thưng ở vùng biên giới tỉnh Hà Tĩnh đã hòa vào cuộc sống, sinh hoạt của Nhân dân. Nhiều thanh niên gốc Lào Thưng đã kết hôn với người Kinh, sinh ra những đứa con mang hai dòng máu Việt - Lào. Tiếng trẻ em bi bô, niềm hạnh phúc của mọi người nhân lên gấp bội. Bởi những đứa trẻ chính là mầm xanh, mai này sẽ tiếp tục vun đắp tình cảm thủy chung, trong sáng có một không hai giữa hai nước Việt Nam - Lào lên tầm cao mới.

Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang Nguyễn Hùng Cường cho biết, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm, động viên bà con người Lào Thưng thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Niềm vui lớn là giờ đây con cái của họ sau khi học hết bậc Tiểu học đều được đến trường Trung học cơ sở & Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hà Tĩnh để học tập. Các em chính là những mầm xanh của quê hương, đất nước sau này.

Di cư sang đất Việt, rồi cắm bản xây dựng cuộc sống ấm no, xóm làng thanh bình, trù phú. Người dân tộc Lào Thưng là vậy, dù đi bất cứ nơi đâu, họ vẫn giữ nếp sống mộc mạc, giản dị, chân tình của cộng đồng các bộ tộc Lào anh em. Có thể cảm nhận giữa hương sắc của núi rừng, tình người Việt - Lào nơi miền biên viễn xa xôi đang từng ngày gắn bó keo sơn, bền chặt.

Nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng của người dân tộc Lào Thưng ở vùng biên giới tỉnh Hà Tĩnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm.
Nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng của người dân tộc Lào Thưng ở vùng biên giới tỉnh Hà Tĩnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm.

Thiếu tá Nguyễn Phan Quang - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, quân và dân hai nước Việt Nam - Lào luôn kề vai, sát cánh, dũng cảm chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

“Cùng với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn thực hiện hiệu quả các mặt công tác, nhất là tích cực động viên, hỗ trợ Nhân dân vùng biên giới nói chung, cộng đồng dân tộc Là Thưng nói riêng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới” - thiếu tá Nguyễn Phan Quang chia sẻ.

Dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022), hai quốc gia cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào. Hòa vào dòng chảy của công cuộc đổi mới, người Lào Thưng trên đất Việt mãi luôn tự hào gìn giữ núi sông, xây dựng cuộc sống ngày thêm khởi sắc.