Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người mắc bệnh lao đến khám giảm 50 - 70%

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Việt Nam, số lượng người đến khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm lên đến 50 - 70% ở nhiều nơi.

Ngày 10/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) tổ chức “Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021”.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm CTCLQG cho biết, trong đại dịch Covid-19, công tác chống lao đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị cho bệnh nhân. Trên thế giới, tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 10 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020. Có 16 quốc gia chiếm 93% trong số giảm phát hiện này, gồm có Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
 PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm CTCLQG phát biểu tại hội nghị.
Tại Việt Nam, tình trạng này cũng diễn ra trong đại dịch, nhất là khi bước vào đợt dịch thứ 4. Đơn cử, số lượng người đến khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm lên đến 50-70% ở nhiều nơi. Việc này một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả các đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao. Số lượng bệnh nhân tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra, nên tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lĩnh thuốc,…
Đề cập đến hoạt động phát hiện, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, trong 10 tháng năm 2021, với đợt tấn công lần thứ 4 của dịch bệnh Covid-19, gây ra những biến động trong xã hội, sự giãn cách xã hội bắt buộc đối với toàn quốc trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Số liệu phát hiện của CTCLQG sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, với 62.998 bệnh nhân được phát hiện so với 82.368 bệnh nhân 10 tháng đầu năm 2020 (giảm 23,52%). Tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 10 tháng đầu năm là 61,5/100.000 dân, chỉ đạt 52,2% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (117,9/100.000 dân), đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức cho năm 2021. Trong đó, tại miền Bắc, số lượng bệnh nhân lao được phát hiện giảm 19%, miền Trung giảm 23% và miền Nam giảm 26%. Bên cạnh đó, với đặc thù bệnh viện điều trị bệnh lý hô hấp, thời gian qua nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bị chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị Covid-19, cán bộ làm công tác chống lao phải song song thực hiện các hoạt động phòng chống Covid-19.
Nhấn mạnh về hoạt động điều trị, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 84,7%. Tỷ lệ điều trị thành công là 91,9%, đạt mục tiêu CTCLQG đã đề ra là trên 90%. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Hòa Bình (94%), Khánh Hòa (96%) và đặc biệt là Hậu Giang (98%). Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2(3) tháng điều trị của bệnh nhân trong năm 2020 đạt 85,6%. Những số liệu này đã cho thấy hoạt động điều trị vẫn được duy trì tốt với tỷ lệ điều trị khỏi cao tuy nhiên việc theo dõi bệnh nhân để đảm bảo quy trình điều trị được hoàn thành và báo cáo một cách chính xác nhất vẫn cần nhiều nỗ lực từ các tỉnh đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
“Trong chống lao có 2 việc quan trọng nhất là phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây. Do đó, thời gian qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đưa ra biện pháp can thiệp mô hình, bảo đảm tiếp cận khám chữa bệnh thuận lợi cho người bệnh nhưng cũng ngăn chặn lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường phát hiện chủ động ca nhiễm lao trong cộng đồng bằng “chiến lược 2X” là X-quang và X-pert. Chúng ta có đầy đủ kỹ thuật, thực hành chuẩn chống dịch. Quan trọng là người dân có ý thức phát hiện sớm các triệu chứng ho sốt, chủ động tìm các chương trình hỗ trợ đến cơ sở y tế an toàn, phát hiện sớm đúng bệnh lý để điều trị kịp thời, cắt đứt nguồn lây, bệnh lao sẽ giảm đi” - Chủ nhiệm CTCLQG nói.
Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương hiểu khoa học và thực tiễn chống lao chưa đồng đều nhau. Sau đại dịch Covid-19, hy vọng các địa phương sẽ có biện pháp ứng phó đồng bộ với bệnh lao giống như các biện pháp triển khai chống dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương, một trong những nhiệm vụ trọng điểm của CTCLQG là “Nghiên cứu xây dựng mô hình kiểm soát nhanh dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh đường hô hấp nguy hiểm tại tuyến y tế cơ sở”. Chương trình sẽ tăng cường truyền thông các sự kiện hướng đến vận động đưa phòng chống lao vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm sửa đổi. Chương trình cũng phối hợp với Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 04/2016/TT-BYT, tiếp tục hỗ trợ địa phương hoàn thiện các phương án kiện toàn các cơ sở y tế bảo đảm đủ điều kiện thanh toán khám, chữa bệnh lao qua BHYT. Quản lý cung ứng, điều phối, điều tiết thuốc chống lao mua từ nguồn BHYT trên phạm vi toàn quốc.
Mặt khác, chương trình cũng duy trì đảm bảo chất lượng hoạt động phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao thường quy tại các tuyến của CTCL lồng ghép trong các hoạt động chung của hệ thống y tế. Ngoài ra, chương trình cũng tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) trong các tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao, sử dụng hiệu quả 27 xe Xquang di động kỹ thuât số và các máy Xquang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 2020).