Họ là những người sáng lập ra Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), hiện là DN duy nhất tại Việt Nam sản xuất và xuất khẩu mật hoa dừa cùng các sản phẩm liên quan.
Hồi sinh nghề thu mật hoa dừa
Phạm Đình Ngãi, một thạc sĩ ngành điện, và vợ anh, chị Thạch Thị Chal Thy, một thạc sĩ công nghệ thực phẩm người Khmer, đã quyết định từ bỏ công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh để trở về quê hương Trà Vinh lập nghiệp.
Họ chọn cây dừa, một loại cây trồng phổ biến nhưng giá trị kinh tế thấp tại địa phương, làm nền tảng cho hành trình khởi nghiệp của mình.
CEO Phạm Đình Ngãi kể lại: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất nhiều về cây dừa và nhận thấy ở các nước như Thái Lan, Indonesia, họ không chỉ thu hoạch trái mà còn tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị từ mật hoa dừa. Tận dụng chuyên môn của mình và vợ, tôi chọn mật hoa dừa để khởi nghiệp, từ đó hồi sinh nghề thu mật hoa dừa, vốn là nghề truyền thống của người Khmer ở Trà Vinh, nhưng đã bị thất truyền”.
Khi bắt đầu, hai vợ chồng gặp không ít khó khăn. Những người nông dân địa phương cho rằng họ "khùng" vì chọn thu hoạch hoa dừa thay vì trái dừa. Không biết cách thu mật hoa dừa hiệu quả, họ đã mất đến 6 tháng để học hỏi và nghiên cứu.
“Lúc đầu, chúng tôi thất bại vì không biết cách massage hoa dừa đúng cách. Để thu được mật hoa, phải chọn đúng tuổi của hoa, không quá non cũng không quá già, và biết cách gõ một lực vừa đủ để kích thích hoa dừa tiết mật” - anh Ngãi nói và nhấn mạnh, mỗi hoa dừa có kích thước khác nhau và đòi hỏi kỹ thuật thu mật khác nhau, vì vậy vai trò của người thợ thu mật dừa rất quan trọng.
“Ngay từ buổi ban đầu, chúng tôi đã xác định nếu thành công, đây sẽ là giải pháp, hướng đi mới cho nông dân quê hương. Còn nếu thất bại, cũng không sao, đây sẽ là bài học lớn. May mắn, sau thời gian nỗ lực, từ mật hoa dừa, Sokfarm đã phát triển thành công 30 sản phẩm khác nhau, mang lại giá trị kinh tế cao” - anh Ngãi tự hào.
Hiện tại, ngoài việc sở hữu nông trại 2 ha và nhà xưởng đạt chuẩn EU, Sokfarm còn liên kết với nông dân trồng dừa, chuyển giao kỹ thuật thu mật hoa và hướng dẫn quy trình để nông dân có thể thu mật hoa và bán cho nhà máy. Mô hình của Sokfarm tạo ra chuỗi giá trị từ nông dân đến nhà máy sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, giúp nông dân tăng giá trị kinh tế từ 3 - 5 lần so với thu hoạch trái dừa.
Chinh phục thị trường quốc tế
Từ mật hoa dừa, Sokfarm đã tạo ra nhiều sản phẩm được đối tác nước ngoài đánh giá cao. Theo anh Ngãi, Sokfarm có nghĩa là "hạnh phúc, bình an" trong tiếng Khmer, thể hiện giá trị cốt lõi trong hoạt động của DN đó là mang lại những sản phẩm chất lượng nhất cho người tiêu dùng.
Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đôi vợ chồng từng bay sang Thái Lan để nghiên cứu thị trường và rổ sản phẩm. Từ đó nhận thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế về vùng nguyên liệu và tiềm năng phát triển bền vững. Ngành sản xuất mật hoa dừa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và hạn chế biến đổi khí hậu.
Mở rộng nhà xưởng 1000m², Sokfarm dự kiến mỗi năm sẽ cung ứng khoảng 1 - 2 sản phẩm mới. Doanh thu nhưng năm gần đây của công ty đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, DN còn mở cửa du lịch để du khách tham quan quy trình sản xuất và trực tiếp tham gia massage dừa lấy mật.
Sokfarm đã hợp tác với 35 hộ nông dân trên 20ha vườn dừa, tăng gấp 10 lần so với thời điểm ban đầu, để thu mua 45 tấn mật hoa dừa mỗi tháng. Tất cả các vườn dừa đều đạt chứng nhận hữu cơ cho thị trường Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản. Nhờ vậy, sản phẩm của Sokfarm đã xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, Hà Lan, Đức và Mỹ.
Hiện, Sokfarm có 6 dòng sản phẩm gồm: nước uống mật hoa dừa; mật hoa dừa cô đặc; đường hoa dừa; dấm mật hoa dừa; mật hoa dừa lên men; và ca cao mật hoa dừa. Mỗi tháng, công ty tiêu thụ từ 15 - 20 tấn mật tươi để sản xuất ra từ 3 - 4 tấn sản phẩm.
Doanh nhân Phạm Đình Ngãi nhận định, việc sản xuất các dòng sản phẩm từ mật hoa dừa không gây hại cho môi trường mà còn là câu chuyện văn hóa vùng miền. Ngoài ra, DN cũng đang tìm hiểu và thực hiện các quy trình bán tín chỉ carbon thông qua mỗi cây dừa.
Theo tính toán, mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm có thể mang lại khoảng 1 USD từ tín chỉ carbon. Như vậy, nông trại của Sokfarm có 28.000 cây dừa đã trên 10 năm, ước tính sẽ thu về ít nhất 28.000 USD cho nông dân, chưa kể việc trồng thêm cây mới hàng năm. Đây hứa hẹn sẽ là một khoản thu nhập mà nông dân có thể kỳ vọng trong tương lai.