Sau khi lập gia đình, sinh con, tôi chuyển về Hà Nội sinh sống, nên cũng chỉ liên lạc với vợ chồng người kia cũng như cháu bé qua mạng xã hội. Mới đây, vợ chồng họ ly hôn, anh chồng đi lao động ở nước ngoài thì chị vợ liên lạc, đề nghị tôi nuôi con của họ hoặc hỗ trợ một khoản tiền hàng tháng để nuôi cháu. Xin hỏi pháp luật có bắt buộc em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu bé em đã mang thai hộ hay không?
Nguyễn Thị Hà, quận Ba Đình, Hà Nội
Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Theo Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Có nghĩa bạn là người mang thai, nhưng khi được sinh ra, cháu bé là con của vợ chồng người nhờ mang thai hộ.
Với tư cách là bên mang thai hộ, bạn có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 97 của Luật này. Đó là:
“1. Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.
2. Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.
3. Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
4. Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
5. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con”.
Tóm lại, bạn có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật như trên cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho vợ chồng người nhờ mang thai hộ.
Cấp dưỡng, theo khoản 24 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.
Về nguyên tắc, do không phải là mẹ con, bạn không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu bé do mình mang thai hộ khi đã giao đứa trẻ cho vợ chồng người nhờ mang thai hộ. Bởi vì, khoản 1 Điều 107 của Luật này quy định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này”.
Tuy vậy, nếu có điều kiện, bạn có thể hỗ trợ để người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Điều đó hoàn toàn dựa trên yếu tố tình cảm, xã hội và do bạn quyết định.