70 năm giải phóng Thủ đô

“Người mới” của bố

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày bố làm nhà, chị đang công tác xa. Chị chỉ gửi được số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình với lời mong muốn: “Con muốn bố làm nhà gỗ”...

Bố của chị không làm nhà gỗ mà làm nhà trụ bê tông, theo ông “cho chắc chắn, miền Trung lắm gió bão. Vả lại nhà cột bê tông rẻ tiền. Gỗ giờ đắt lắm”.

Căn nhà làm xong, chị cũng kịp về ăn mừng. Nhà tuy nhỏ nhưng có phòng ngủ, phòng khách. Bố còn làm thêm mái che ở sân, như phong trào của người dân địa phương mới đây, kê cái bàn để làm nơi uống nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị ngắm nhìn bố, khi ông vui thường làm vài chén rượu, nói cười hể hả. Khi buồn, ông trầm ngâm, ngồi hút thuốc...

Lần này, ông vui thật sự, ông nói: “Nhà là do bố làm, nhưng vui vì các con đều có trách nhiệm, đứa gửi ít, đứa gửi nhiều. Bố rồi cũng mất, có nhà cửa đàng hoàng một chút để mẹ chúng mày ở không lo bão khi con cái đều ở xa. Chúng mày có về nhà cũng có chỗ ngủ, không phải đi ngủ nhờ họ hàng”.

Đúng là nhà chị có 4 anh em nhưng đều làm ăn xa, chủ yếu ở miền Nam; hai ông bà ở với nhau. Suy nghĩ của ông là chính xác, chứ lúc gió bão mà nhà cửa ọp ẹp thì nguy vì hai ông bà đều già không thể xoay xở.

Thế nhưng, trớ trêu là mẹ lại mất trước bố. Ông già đi nhanh chóng. Con cái ở xa, đứa gọi điện hỏi thăm, đứa tranh thủ về nhà thăm bố.

Đùng cái nữa, chị và mấy anh em nghe tin bố sắp đi bước nữa. Có người gọi điện về ngăn cản: “Bố ơi, mẹ mất mới vài ba năm. Bố già rồi, vợ con gì nữa? Thôi bố ạ!”.

Có người còn khuyên bố là bán nhà đi vào Nam ở với con cái.

Chị tìm hiểu, hỏi thêm vài người họ hàng thì biết, bố của chị lấy cô hàng xóm thua bố độ mươi tuổi, cũng góa bụa và đã có con cháu.

Tìm hiểu kỹ nữa, bác của chị cho biết, cô đó từng một thời là thanh niên xung phong, gặp bố ở tuyến lửa và thương nhau. Nhưng sau này bố bị thương lại về quê lấy vợ theo sự sắp đặt của ông bà nội của chị. Hơn nữa, khi đó nghe tin cô thanh niên xung phong đã hy sinh...

Chuyện dài dòng là vậy, giờ hai người cô đơn nên “rổ rá cạp lại”. Người bác nói thêm: “Chúng mày sao trẻ mà suy nghĩ lạc hậu vậy. Bố chúng mày muốn lập gia đình mới là quyền của ông ấy chứ! Lúc ông ấy ốm đau hay tai nạn gì đó, bọn mày có kịp thời về chăm không?”.

Thế là bố chị có người mới. Chị và mấy người anh em có về dự buổi liên hoan nho nhỏ “đám cưới” của bố.

Ấn tượng đầu tiên của chị với người mẹ mới là tốt đẹp. Chị thấy khuôn mặt của bà vừa nghiêm nghị, vừa phúc hậu. Bà đã gần 70 tuổi nhưng nhanh nhẹn.

Chị chào bà một cách ngượng ngùng. Bà nói: “Tôi và chị ở cùng xã thì có gì lạ nhau. Đừng ngại ngùng như thế”.

Bà kêu chị lại gần, cầm hai bàn tay của chị và nói: “Chị yên tâm đi. Tôi không giành giật tình cảm của mẹ chị với ông ấy đâu. Tôi chỉ thay mẹ chị chăm sóc ông ấy quãng đời còn lại thôi...”.

Nói rồi bà ứa nước mắt làm chị cũng chảy nước mắt theo.

Từ khi có mẹ mới, chị cảm thấy yên tâm hẳn khi nghĩ về bố mình. Bởi bố ở nhà đã có bà ấy lo.

Quả nhiên, khi về giỗ mẹ, chị thấy sức khỏe của bố đã khá hơn so với từ ngày mẹ mới mất. Ông lại vui, lại làm vài chén rượu, nói chuyện hào hứng hơn.

Chị ngắm người mẹ mới, lại gần bà và nói: “Con cảm ơn mẹ đã chăm sóc bố con”.

Ánh mắt người mẹ mới vui hẳn lên, bà nói: “Mẹ cũng cảm ơn các con nhé! Các con đã coi mẹ là thành viên trong gia đình. Bố các con tự hào về các con lắm đấy!”.

Chị thầm nghĩ: "May là mình và mọi người không ích kỷ khăng khăng theo ý mình. Nếu không bố sẽ sống quãng đời còn lại u buồn và có khi nguy hiểm vì bệnh tật".