Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: không chỉ "xin lỗi là xong"
Kinhtedothi - MC Hoàng Linh vừa bị xử phạt hành chính hơn 100 triệu đồng do quảng cáo sữa sai sự thật trên mạng xã hội tiếp tục làm dấy lên làn sóng bức xúc về người nổi tiếng lạm dụng uy tín cá nhân để trục lợi, gây tổn hại đến quyền lợi và niềm tin của người tiêu dùng.
Động thái xử phạt của lực lượng chức năng cũng mở ra loạt câu hỏi về trách nhiệm của giới nghệ sĩ và chuyện xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo thời gian qua.

MC Hoàng Linh trong hoạt động quảng cáo liên quan đến sữa giả. Ảnh: Internet.
Hàng loạt người nổi tiếng vi phạm quảng cáo sai sự thật
Không chỉ riêng MC Hoàng Linh, nhiều vụ việc trước đó đã khiến dư luận giật mình vì mức độ tác động tiêu cực lan rộng mà quảng cáo thiếu kiểm chứng từ giới nghệ sĩ mang lại. Những năm gần đây, thị trường quảng cáo trực tuyến phát triển bùng nổ đồng nghĩa với việc hàng loạt video quảng bá sản phẩm do KOLs, MC, hoa hậu… thực hiện tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều nội dung quảng cáo lại không dựa trên cơ sở kiểm định, thậm chí cố tình "thổi phồng", gây hiểu lầm hoặc nguy hiểm cho người sử dụng.
Một số vụ việc điển hình từng gây xôn xao bao gồm: Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Hằng Du Mục, và Quang Linh Vlogs cùng bị xử lý vì quảng bá kẹo rau củ như "thay thế rau xanh", khiến khách hàng nhầm lẫn về công dụng sản phẩm. Một số ngôi sao từng bị xử phạt vì quảng bá thực phẩm chức năng, lợi dụng niềm tin của công chúng, khiến bệnh nhân tin nhầm vào "thuốc thần", tự ý bỏ phác đồ điều trị của bác sĩ…
Ở lĩnh vực mỹ phẩm, trường hợp Đoàn Di Băng bị xử phạt vì quảng cáo sản phẩm Hanayuki sai về chỉ số chống nắng, thành phần…; DJ Ngân 98 gây tranh cãi khi đưa ra thông tin phiến diện về thực phẩm giảm cân…
Riêng mảng MC truyền hình, ngoài Hoàng Linh, các MC nổi tiếng như Quang Minh, Thanh Vân cũng từng bị yêu cầu gỡ quảng cáo, nộp phạt do quảng cáo sai về sản phẩm sữa, khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng tới uy tín nhà đài và hình ảnh cá nhân…
Điểm chung ở các vụ việc này là việc tận dụng hào quang của người nổi tiếng để thao túng cảm xúc, lấy lòng tin khán giả qua các chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, livestream khoe trải nghiệm thực tế. Việc này, nếu không chịu hậu kiểm nghiêm ngặt sẽ biến mạng xã hội thành "thiên đường" cho quảng cáo sai sự thật, gây tổn hại lâu dài về sức khoẻ, tài chính và làm xói mòn đạo đức xã hội.
Cần chế tài mạnh và siết trách nhiệm người nổi tiếng
Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia nhận định, việc người nổi tiếng cố tình hoặc vô ý quảng cáo sai sự thật là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tay cho gian lận thương mại. Ngoài mức phạt hành chính, hiện ở mức hơn 80 triệu đồng đối với cá nhân, 160 triệu cho tổ chức và tịch thu lợi bất chính, các trường hợp gây hậu quả nặng, tái phạm, hoặc biết rõ sản phẩm không đúng chất lượng mà vẫn quảng cáo, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự với mức án lên tới 5 năm tù.
Tuy nhiên, khung pháp lý hiện nay vẫn chưa thực sự theo kịp thực tiễn biến hóa của thị trường quảng cáo, nhất là trong hoạt động của KOLs, nghệ sĩ trên mạng xã hội. Các luật sư cho rằng cần hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng nhận thức pháp lý của nghệ sĩ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời phát triển hệ thống giám sát đồng bộ, xử lý nghiêm vi phạm, cân nhắc áp dụng biện pháp mạnh như cấm biểu diễn hoặc "phong sát" trong một thời gian nhất định đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, giám sát hoạt động, kiểm soát nội dung quảng cáo trên mạng xã hội được xem là giải pháp then chốt để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các hành vi quảng cáo lừa dối. Các nền tảng mạng xã hội cũng cần chịu trách nhiệm đồng hành cùng các cơ quan chức năng, truy vết các quảng cáo sai lệch, xử lý các tài khoản cá nhân cố tình vi phạm.
Hà Nội tăng cường xử lý quảng cáo vi phạm
Tại Hà Nội, nơi thị trường hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống gian lận thương mại và giám sát nghiêm ngặt hoạt động quảng cáo trên mạng. Chính quyền Thành phố thường xuyên đôn đốc nâng cao nhận thức cộng đồng, tuyên truyền lựa chọn sản phẩm chính hãng và xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức thương mại vi phạm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan trong việc rà soát, xử lý những sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các nền tảng mạng xã hội, trên các xuất bản phẩm liên quan đến vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả theo quy định của pháp luật; tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là quảng cáo hàng hóa về thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm sai phạm theo thẩm quyền…
Quảng cáo sai lệch từ người nổi tiếng đã, đang và sẽ tiếp tục là thách thức trong xã hội hiện đại, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý, nghệ sĩ, các nền tảng mạng xã hội cũng như nhận thức của người dân. Khi khung pháp lý được hoàn thiện và thực thi nghiêm minh, người nổi tiếng không chỉ phải "xin lỗi" mà còn buộc chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tác động của lời nói, hành vi tới cộng đồng.
Điều này giúp lành mạnh hóa môi trường quảng cáo, khôi phục niềm tin xã hội, bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ người tiêu dùng và xây dựng thị trường tiêu dùng minh bạch, an toàn, uy tín cho tất cả các bên tham gia.

MC Hoàng Linh lần đầu lên tiếng xin lỗi về quảng cáo sữa giả
Sau khi bị phạt 107,5 triệu đồng, MC Hoàng Linh đã lên tiếng liên quan tới việc quảng cáo sữa giả.

Chống quảng cáo sai sự thật: siết chặt kỷ cương, bảo vệ người tiêu dùng
Kinhtedothi - Hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt liên quan đến các sản phẩm sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc giảm cân, đang bị cơ quan chức năng tại Việt Nam siết chặt quản lý. Đồng thời thúc đẩy việc sửa đổi, bổ sung khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đại biểu Quốc hội: cần có chế tài xử lý người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Kinhtedothi - Sáng 10/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Các đại biểu quan tâm nhiều đến quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và chế tài xử lý đối với người nổi tiếng; cơ chế quản lý người nổi tiếng, "người có ảnh hưởng" tham gia quảng cáo.