Nông dân chăm sóc bò sữa tại xã Đổng Xuyên, huyện Gia Lâm. |
Đơn cử, tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), so với giai đoạn đỉnh điểm, đàn bò sữa của xã lên tới 2.000 con nhưng hiện giảm chỉ còn 1.560 con. Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho hay, do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, thủ công nên năng suất, chất lượng sản phẩm hạn chế. Giá vật tư đầu vào tăng, trong khi giá thu mua sữa nguyên liệu giảm khiến người chăn nuôi không có lãi và chuyển hướng sang ngành nghề khác cho thu nhập ổn định hơn.
Từ thực tiễn phát triển chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ chăn nuôi kiến nghị, để ổn định phát triển chăn nuôi và chất lượng sản phẩm sữa bò, các cấp, các ngành TP cần quy hoạch phát triển ổn định vùng trồng cỏ làm thức ăn cho vật nuôi. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ người dân vốn đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn cả là đứng ra làm khâu trung gian hỗ trợ người dân trong việc ký kết hợp đồng với DN bao tiêu sản phẩm để bảo đảm quyền lợi giữa các bên.
Nhằm giúp người dân khắc phục khó khăn, duy trì phát triển chăn nuôi bò sữa, mang lại thu nhập cao hơn, trước mắt, ngành nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các huyện có chăn nuôi bò sữa tổ chức tập huấn kiến thức cho người chăn nuôi như: Sử dụng đúng chủng loại, liều lượng thức ăn, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng cho vật nuôi. Về lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sữa gắn kết từ người chăn nuôi đến trạm thu gom và nhà máy chế biến sản xuất sữa.
Để làm được việc này, chính quyền địa phương nơi đang phát triển chăn nuôi bò sữa cần tăng cường kiểm tra việc xây dựng cũng như sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nhằm gắn trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên trong việc tiêu thụ sữa. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi phát triển đàn bò sữa theo vùng, xã trọng điểm, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.