70 năm giải phóng Thủ đô

Người thầy - nhân tố quyết định chất lượng giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định người thầy là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục, thế nên trong hành trình đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, Hà Nội đã chọn mục tiêu đầu tiên là chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV).

Không ai thay thế được người thầy

Đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) là nhu cầu thực tế của GD&ĐT hiện tại. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, một bộ SGK hay không hẳn là yếu tố quyết định sự thay đổi toàn diện chất lượng giáo dục, mà nhân tố đóng vai trò quyết định là đội ngũ GV. Như ông Đào Thiện Khải - nguyên Hiệu trưởng trường Hà Nội - Amsterdam phân tích: "Những năm trước, khi bắt đầu đổi mới chương trình SGK, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo, chương trình, SGK phải tạo được sự chuyển biến trong phương pháp dạy và học bằng cách phát huy tính tích cực của HS, khắc phục tình trạng đọc - chép… Nhưng, thực tế trong quá trình giảng dạy, nhiều thầy cô giáo vẫn dạy theo kiểu "truyền thống", yêu cầu học sinh (HS) nhái theo những bài mẫu đã có sẵn. Bằng chứng trên cho thấy, yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục là con người, mà cụ thể ở đây là đội ngũ GV". Nghĩa là GV rất cần những bộ SGK chuẩn và hay để hình thành, phát triển kiến thức, kỹ năng cho HS. Tuy  nhiên, chất lượng giáo dục lại không hoàn toàn phụ thuộc vào SGK mà nằm ở người thầy.

 
Người thầy là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục.
Người thầy là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục.
Ở góc độ của một Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng nhận thấy, chương trình SGK có thể "đuối", song thầy giỏi vẫn có thể "nâng đỡ" được kiến thức cho học trò. Bởi giáo dục hiện nay đang hướng tới sự toàn diện, nhà trường không chỉ dạy kiến thức, mà còn bồi dưỡng nhân cách cho HS. Trong đó không ai có thể thay thế người thầy, nếu chỉ tri thức thì internet có thể hỗ trợ, nhưng còn đánh vào tình cảm để tác động chuyển hóa nhận thức thành hành vi, thành việc làm cụ thể thì người thầy đảm nhận công việc này.

Đi đúng đường

Có thể thấy, ngành giáo dục Hà Nội đã đi đúng đường khi xác định GV là yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: "Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong nhà trường. Trong đó mục tiêu cần xác định là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo vì HS, vì chất lượng đầu ra của mỗi nhà trường, tạo uy tín, niềm tin với xã hội từ những "sản phẩm" đào tạo có chất lượng tốt nhất. Muốn xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hội nhập trong khu vực và trên thế giới thì chúng ta cần rất nhiều cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo có chất lượng". Và đây vẫn tiếp tục là "mũi nhọn" mà giáo dục Hà Nội chú trọng trong hành trình đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT phía trước để đi đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Mục tiêu này cũng đã được triển khai thực hiện ở các nhà trường. Điển hình ở trường Tiểu học Thành Công B, bà Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ GV, Ban Giám hiệu nhà trường đã bồi dưỡng bằng cách thường xuyên dự giờ và có nhận xét để các GV, nhất là những người mới vào nghề rút kinh nghiệm; thường xuyên mời các chuyên gia giáo dục đến cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, đồng thời tổ chức các chuyên đề, hội giảng khuyến kích GV nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đòi hỏi ở người thầy toàn diện, thế nên các chuyên gia giáo dục đều cho rằng cải cách giáo dục phải gắn trường sư phạm với thực tế giảng dạy phổ thông. Nghĩa là việc nâng cao chất lượng giáo dục cần bắt đầu từ những "cái nôi" đào tạo ra những người thầy. Do đó, nhiều chuyên gia "gợi ý", sinh viên chỉ nên học một nửa thời gian ở trường, còn lại là thời gian tiếp xúc và thực hành giảng dạy ở các trường phổ thông. Khi được tiếp xúc với môi trường học đường, trải nghiệm thực tế giảng dạy, sinh viên sẽ trở thành những GV có kiến thức, kỹ năng giảng dạy tốt.

 
GS.TSKH Lưu Văn Bôi - giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội: Giáo viên phải tâm huyết, tận tụy với nghề

Dù có đổi mới đào tạo theo hướng đi vào chiều sâu, hiện đại và cập nhật hơn với khu vực cũng như quốc tế thì không thể thay thế vai trò của người thầy. Ta có bất cập trong đào tạo đó là đội ngũ GV ở mọi cấp vừa thiếu vừa thừa, thiếu nhà giáo cập nhật được trình độ cao quốc tế, dư những người không chịu thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện mình. Theo tôi, người GV, ngoài yếu tố phẩm chất thì phải tâm huyết, tận tụy.