Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tình già của em!

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chị nói về người chồng của mình như vậy, khi anh chị đã về hưu. Những thời gian này, khi rỗi rãi, con cái cũng đã có gia đình riêng, anh chị lại tung tăng khắp nơi...

Hai anh chị vốn là giáo viên. Anh dạy môn văn trường phổ thông trung học. Chị dạy tiểu học. Lẽ ra cuộc sống yên ổn nếu như anh không đam mê viết văn, viết báo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một hôm, anh về nói với chị: “Em ạ! Báo anh quen đang tuyển người, lâu nay anh cũng cộng tác với họ. Anh chuyển nghề nhé!”.Chị biết, chồng chị thích đi đây đi đó, thích viết lách nên có đi dạy cũng không yên nên gật đầu.

Chuyện anh chuyển nghề cũng không có thay đổi gì nhiều, vì lương cũng gần như bằng nhau. Có điều, anh đi nhiều, gặp gỡ nhiều khiến chị lo lắng chuyện anh có thêm người phụ nữ khác.

Người anh không thực sự cao lớn, thậm chí hơi thấp. Nhưng anh có cách nói chuyện rất có duyên. Hơn nữa, anh có cách ga lăng với phụ nữ như là một bản tính tự nhiên. Anh rót nước mời bạn nữ, lấy xe đạp ra cho họ khi họ sắp về...

Đó là những điều bình thường với anh nhưng khá gai mắt với chị. Cũng có cô gái dù chưa chồng cũng tìm cớ quấn quýt lấy anh.

Nhiều lần chị hờn dỗi khi anh ngồi đọc thơ với bạn gái. Giọng anh trầm ấm, thơ lại hay. Chị dỗi: “Với em, anh chưa bao giờ đọc thơ cho nghe. Sao anh đọc thơ cho người ta hay thế?”.

Nói rồi, chị bỏ mặc anh lo chuyện cơm nước, bỏ về nhà bố mẹ.Anh vốn là dân văn chương, cơm nước lóng ngóng, thế là mấy bố con đi ăn phở. Rồi anh lại tìm cách xin lỗi chị rối rít.

Đỉnh điểm là chuyện anh đi dự trại sáng tác. Xong thời gian đi dự trại, báo tỉnh đăng hình anh cùng một nhà thơ nữ đang cùng ngồi bên nhau trong khung cảnh sông nước hữu tình (may là không có chuyện tay trong tay).

Thế là chị đùng đùng bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Anh lại đi tìm chị giải thích năn nỉ, nhờ cả bố mẹ và người thân nói giùm, chị mới nguôi ngoai. Dù anh lúc nào cũng nói vói chị: “Anh là nhà văn, có lãng mạn đôi chút, nhưng anh vẫn thương yêu em, chung thủy với em mà”.

Trong thâm tâm chị vẫn biết, anh dù có lãng mạn nhưng không vượt qua ranh giới cho phép và vẫn yêu thương vợ con.

Anh nói với chị: “Có lẽ đến lúc về hưu, anh mới dành nhiều thời gian cho em được. Em cứ đợi mấy năm nữa thôi... Con cái giờ cũng lớn rồi. Chúng ta sắp về hưu”.

Chị nghe anh nói vậy, nhưng nghĩ về thời gian anh chị được về hưu cứ thấy xa vời vợi, hơn nữa chuyện anh đi làm cũng đâu phải là cái tội...

Giờ đây thì anh chị cùng về hưu thật. Họ không chỉ ở nhà với nhau thường xuyên hơn mà còn cùng nhau tung tẩy khắp nơi.

Gia đình chị không có nhiều tiền, với đồng lương hưu của cả hai không nhiều nhặn gì, nên họ thường chọn du lịch những nơi rẻ tiền. Khi họ về quê nội ở Quảng Nam, nơi có dòng sông Thu Bồn trong xanh, Hội An phố cổ... Khi họ về Bình Định, nơi có Tây Sơn - miền đất võ, hay Ghềnh Ráng, Quy Nhơn thơ mộng...

Phong cảnh hữu tình, anh chị tay trong tay nên mọi người cứ khen là đôi tình nhân đẹp. Chị vừa đùa vui: “Anh là người tình già của em!”.

Điều chị vui hơn cả là đi đâu, hễ gặp bà con, họ hàng hay bạn bè của anh, chị đều cảm nhận được sự yêu mến, thậm chí kính trọng của họ đối với anh.

Hỏi ra, chị mới vỡ lẽ, thời gian trước đây, dù nhà cũng còn khó khăn nhưng anh thường hào phóng giúp đỡ người nhà, hay bạn bè dù chỉ là nhưng khoản nho nhỏ, như tiền tàu xe, tiền ăn độ dăm ba ngày, những bộ quần áo cũ còn lành lặn...

Sống với anh, chị chỉ biết chồng mình lúc nào cũng hồn hậu, dù trong túi có khi không còn đồng nào. Khách đến nhà lúc nào cũng được anh và chị tiếp đãi chu đáo... nhưng không biết chuyện anh hay giúp đỡ người khác.

Điều chị vui hơn nữa, là từ ngày đi chơi với vợ nhiều, anh cũng ga lăng với chị như ngày xưa gặp các “nàng thơ” khác.

Chị nhìn anh với gương mặt hạnh phúc, nhưng rồi thầm nghĩ: “Có khi nào mình không giận dỗi anh ấy, anh lại vượt ranh giới, phụ mình?”.