Người trồng cải cúc giống thất thu vì thời tiết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, nghề trồng hoa cải cúc lấy hạt giúp mang lại thu nhập khá cho người nông dân xã Kim Sơn (Gia Lâm).

Năm nay, những cánh đồng hoa vẫn nở vàng rực rỡ, nhưng nét mặt bà con nông dân nơi đây lại phảng phất nhiều suy tư.  

Lũ lượt phá bỏ hoa

Dọc QL18B, những cánh đồng hoa cải cúc vàng ươm đang độ bung nở trải dài tít tắp. Những cô cậu thanh niên dừng xe máy ven đường, hồ hởi chạy nhảy giữa “rừng hoa” để… chụp ảnh. Trái với vẻ mừng vui đó, những người nông dân mặt buồn thiu, nhanh tay phá bỏ những gốc hoa cải cúc, mang ra đường phơi khô, đem đốt lấy tro rắc ruộng.
Người dân xã Kim Sơn phá bỏ hoa để làm đất cho vụ Xuân.
Người dân xã Kim Sơn phá bỏ hoa để làm đất cho vụ Xuân.
Bà Bùi Thị Ninh, thôn Giao Tự (xã Kim Sơn) cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết nên năm nay, hoa cải cúc nở muộn. Độ này đang vào cao điểm gieo trồng vụ Xuân nên bà buộc phải phá bỏ để trồng lạc. Nếu cố đợi hoa chín lấy hạt sẽ lỡ thời vụ gieo trồng. Cũng theo bà Ninh, hoa cải cúc nở muộn, thu hoạch giảm nhưng cũng không được giá. Nếu như vụ trước, mỗi cân hạt hoa cải cúc có giá khoảng 90.000 đồng, thì vụ này giá giảm chỉ còn trên dưới 60.000 đồng. Đó là lý do khiến bà con nơi đây quyết định phá bỏ hoa sớm.

Tất bật ôm từng bó hoa cải cúc lớn ra con đường làng phơi, ông Nguyễn Văn Nhượng, thôn Kim Sơn bảo: Nếu như năm trước, với mỗi sào trồng hoa cải cúc lấy hạt, một vụ gia đình ông thu lời khoảng 10 triệu đồng, thì năm nay giảm gần 40%. Hoa cải cúc nở muộn, nhưng để kịp sản xuất vụ Xuân, gia đình ông phải ngậm ngùi phá bỏ để làm đất, lấy nước, chuẩn bị trồng lạc. “Cứ như chạy đua với thời vụ ấy” - ông Nhượng thở dài.

Mong có đầu ra ổn định

Không chỉ gia đình bà Ninh, ông Nhượng, nhiều hộ nông dân ở xã Kim Sơn cũng phải ngậm ngùi nhổ bỏ những gốc hoa cải cúc đã dày công chăm sóc. Ông Hoàng Văn Vịnh – Trưởng thôn Giao Tự chia sẻ, nhiều năm qua, người dân trong thôn có tập quán trồng xen canh một vụ lúa – lạc và một vụ hoa cải cúc. Mùa hoa bắt đầu từ khoảng tháng 9 – 10 và thu hoạch vào giai đoạn trước, sau Tết Nguyên đán. Hoa cải cúc được trồng lấy hạt bán cho thương lái, nghe nói để chiết xuất tinh dầu. Nhờ nghề trồng hoa cải cúc, người dân nơi đây đã có thêm “của ăn của để”. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết bất thường, cùng với giá thu mua hạt hoa cải cúc giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của bà con.

Được biết, toàn xã Kim Sơn hiện có khoảng 75ha trồng cây hoa cải cúc lấy hạt. Theo chia sẻ của nhiều người trồng hoa, cùng với nỗi lo ảnh hưởng của thời tiết, họ luôn phải đối diện với sự biến động thất thường của mức giá thu mua. Đó đều là những yếu tố mà người nông dân không thể kiểm soát được. Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Viết Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, hiện, địa phương vẫn hỗ trợ bà con trong quá trình trồng, chăm sóc hoa cải cúc, chủ yếu thông qua các hoạt động khuyến nông, phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, nông sản làm ra vẫn do người dân… tự tiêu thụ. Địa phương rất mong muốn và cũng đang cố gắng để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm hạt hoa cải cúc, nhưng hiện chưa thực hiện được (?!).

Nhiều nông dân trồng hoa xã Kim Sơn chia sẻ, điều họ mong muốn nhất là Sở NN&PTNT, huyện Gia Lâm quan tâm, sớm có chính sách hỗ trợ đầu ra ổn định cho sản phẩm, để bà con vơi bớt nỗi lo khi mùa hoa đến.