Người Trung Quốc với chính sách “3 con”

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần này, Trung Quốc đã công bố thay đổi mới nhất trong chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các cặp vợ chồng có 3 con sau hơn 3 thập kỷ siết chặt giới hạn, ngay lập tức tạo ra một cuộc tranh luận bùng nổ trên mạng xã hội Trung Quốc.

Duy trì lợi thế phát triển kinh tế
Cách đây hơn 40 năm, Trung Quốc đã đưa ra chính sách “Một con” để giải quyết tình trạng quá tải dân số và xóa đói giảm nghèo. Nhưng khi dân số già đi, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng các chính sách, và vào năm 2015, họ tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế cho phép mỗi gia đình có tối đa 2 con. Tuy nhiên, hiện tại Chính phủ Trung Quốc đang phải nới lỏng hơn nữa. “Tối ưu hóa các chính sách sinh đẻ, thực hiện chủ trương của một cặp vợ chồng có thể có 3 con và các biện pháp hỗ trợ là có lợi cho việc cải thiện cơ cấu dân số của Trung Quốc, thực hiện chiến lược quốc gia về chủ động ứng phó với dân số già, và duy trì lợi thế các nguồn cấp vốn nhân lực của Trung Quốc”, thông báo ngày 31/5 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ.
 Một phụ nữ cùng con đi chợ tại Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 1/6. Ảnh: Getty Images
Sự thay đổi chính sách này được đưa ra sau khi dữ liệu điều tra dân số gần đây cho thấy, dân số Trung Quốc đang tăng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ. Số người độ tuổi 15 - 59 tuổi giảm xuống dưới 900 triệu, tương đương khoảng 63% dân số vào năm 2020 - giảm khoảng 7% so với 1 thập kỷ trước đó. Các chuyên gia cảnh báo, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới, trước khi giảm khoảng 5% trong thập kỷ tới.

Hao Zhou, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Commerzbank AG nhận định: “Chính sách mới cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là dân số già, lực lượng lao động thu hẹp”. Ông nói thêm rằng, sự suy giảm của lực lượng lao động Trung Quốc trong những năm tới sẽ là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, và góp phần làm tăng lạm phát trên toàn cầu, do chi phí hàng hóa tăng. Sự kết hợp đúng đắn của các chính sách có thể giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu hàng hóa toàn cầu trong những thập kỷ tới, trong khi người tiêu dùng của nước này trở thành thị trường rộng lớn cho các công ty đa quốc gia, với nguồn tiết kiệm hưu trí khổng lồ được các công ty tài chính toàn cầu nhắm tới.

Ngược lại, một phản ứng kém hiệu quả có thể khiến Trung Quốc không bao giờ vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế, hoặc điều đó chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Thực tế, khoảng cách về mức độ thịnh vượng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện vẫn còn khá xa. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc ở mức 17.000 USD, trong khi tại Mỹ là hơn 63.000 USD - theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Yue Su, nhà kinh tế học tại Economist Intelligence Unit ở London, nêu quan điểm: “Lợi tức dân số - yếu tố đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây - sẽ nhanh chóng tiêu tan”. Điều đó có thể làm chệch các mục tiêu chính sách kinh tế lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra - GDP của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035.
Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây mặc dù dân số tăng chậm, với việc lao động di cư đến các thanh phố đã thúc đẩy sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công việc nhà máy và dịch vụ, làm tăng sản lượng kinh tế trên mỗi lao động. Tỷ lệ hiện tại của người dân sống ở các khu vực thành thị là khoảng 64%, gần bằng với Mỹ vào năm 1950, cho thấy tiềm năng để bắt kịp hơn nữa.
Bên cạnh đó, trì hoãn nghỉ hưu sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng lực lượng lao động mà không làm tăng tỷ lệ sinh. Do đó, Chính phủ Bắc Kinh đang đặt mục tiêu nâng dần tuổi nghỉ hưu từ mức hiện tại là 60 tuổi đối với nam giới và thấp nhất là 50 tuổi đối với nữ giới, đồng thời có kế hoạch khuyến khích 50 triệu người di cư lâu dài từ nông thôn ra thành thị trong 5 năm tới, lao động trong ngành dịch vụ và các công việc sản xuất, với mức lương cao hơn.

Vì sao người dân không hào hứng?

Trong 3 thập kỷ kể từ khi áp dụng chính sách “Một con”, Trung Quốc đã thực thi nghiêm túc các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, thậm chí có phần hà khắc tại các vùng nông thôn. Trong những năm gầy đây, sự kỳ thị về việc sinh thêm con đã giảm bớt, nhưng mọi người phải trả “phí hỗ trợ xã hội” cao như một mức “tiền phạt” nếu sinh quá 2 con. Một gia đình ở Trung Quốc đã trả hơn 150.000 USD tiền “phí hỗ trợ xã hội” để có 7 người con.
Nhìn chung, người Trung Quốc hiện có thể có bao nhiêu con tùy ý, miễn là họ trả “tiền phạt”. Tuy nhiên, theo các nhà nhân khẩu học, xu hướng sinh ít hơn vẫn có thể sẽ tiếp tục ngay cả khi chính sách sinh đẻ được nới lỏng, bởi nhiều bậc cha mẹ cho rằng chi phí nhà ở và giáo dục cao là một yếu tố hạn chế các gia đình có nhiều con.

“Tại sao tôi không thể có 3 đứa con? Đó là bởi tôi không đủ khả năng. Một đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi đi làm, liên quan đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, mỗi bước đi đều gặp phải một vấn đề. Những người trẻ tuổi thậm chí không thể chăm sóc bản thân. Làm sao họ có thể còn tâm nuôi dưỡng thế hệ sau được”, Zhang Fang, một người dùng nổi tiếng trên mạng xã hội lớn nhất ở Trung Quốc Weibo - tương tự Twitter - đã bình luận về chính sách dân số mới hôm 31/5.

Ngay sau khi được công bố, “chính sách 3 con” trở thành từ khóa số một trên công cụ tìm kiếm lớn nhất tại Trung Quốc Baidu - tương tự Google. Xu hướng này đã được quan tâm hơn 3,7 tỷ lần, và nhận được gần 5,8 nghìn bình luận trên Weibo, trở thành chủ đề hàng đầu trên tất cả các phương tiện truyền thông nhà nước lớn của Trung Quốc. Đáng chú ý, một cuộc khảo sát trực tuyến bởi Tân Hoa Xã với người dùng Weibo về việc liệu họ đã sẵn sàng sinh con thứ 3 hay chưa, thu hút hơn 30.000 phản hồi chỉ trong nửa giờ, mà hơn 90% trong số đó bình chọn “hoàn toàn không cân nhắc”.

Người dùng Weibo cũng chỉ ra văn hóa làm việc “996” là một trở ngại lớn đối với việc sinh con và nuôi dạy con cái. “996” ý chỉ giờ làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày 1 tuần, thường được áp dụng ở các đô thị lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Thâm Quyến hoặc Quảng Châu. “Đối với những người giàu, chính sách nới lỏng sẽ khuyến khích họ sinh thêm con. Nhưng đối với những công dân bình thường, như tầng lớp trung lưu hoặc thậm chí là tầng lớp thấp hơn, họ không có đủ động lực để hưởng ứng chính sách mới này”, Vivian Zhan, Phó giáo sư về chính trị Trung Quốc tại ĐH Trung Quốc Hongkong nói.

Như một đề xuất đáng suy ngẫm, một người dùng Weibo đã có so sánh thú vị với kinh nghiệm của người nông dân chăn nuôi lợn: “Ở quê tôi, nếu một con lợn không đẻ được lợn con, những người nuôi lợn trước hết luôn phải xem xét đâu là vấn đề thực sự: Liệu có phải là do sự xuống cấp của môi trường sống, như chuồng trại không đủ rộng, điều kiện vệ sinh kém… hay do lợn đang chịu áp lực quá lớn? Một khi vấn đề được tìm thấy để được giải quyết, tự nhiên lợn sẽ có lợn con”.

"Chính sách mới cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là dân số già, lực lượng lao động thu hẹp"-