Khép lại tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, ngày 23/1 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 84,83 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 87,78 USD/thùng.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần, ngày 17/1, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng mạnh khi nhu cầu tiêu thụ cũng như đầu tư tăng cao.
Đầu giờ sáng ngày 17/1 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 84,28 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 86,29 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng, dịch Covdi-19 vẫn có xu hướng gia tăng số ca nhiễm mới do biến thể Omicron tại nhiều quốc gia, khu vực nhưng chưa đủ “mạnh” để làm đảo lộn đà phục hồi của nền kinh tế. Các loại vaccine đang được sử dụng đều cho thấy hiệu quả đối với biến chủng này nếu được tiêm mũi tăng cường.
Giá dầu còn được thúc đẩy mạnh bởi khả năng cung ứng “hạn chế” của các nhà sản xuất dầu thô khi sau một thời gian dài gần như bị tê liệt, các hoạt động đầu tư vào tìm kiếm, thăm dò… rất hạn chế.
Tình trạng mất cân đối cung – cầu, trong đó cầu đang có dấu hiệu vượt cung, đang chịu áp lực tiêu cực bởi tình trạng bất ổn ở Kazakhstan, quốc gia cung cấp một lượng lớn dầu khí, than đá… cho châu Âu.
Việc Mỹ và Trung Quốc thực hiện và có kế hoạch xả kho dự trữ dầu chiến lược nhằm hạ nhiệt giá dầu là dấu hiệu tình trạng cầu đang vượt cung. Theo nhiều nhận định, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô có thể sẽ lớn hơn khi các nền kinh tế đẩy mạnh quá trình mở cửa, các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hoá được nối lại.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục được củng cố khi dữ liệu về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được công bố ở mức cao nhất 10 năm.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2021 là 8,1%, mức cao nhất trong gần một thập kỷ gần đây, cũng là yếu tố kiềm chế đà tăng của kim loại quý.
Theo NBS, trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát và khủng hoảng trên thị trường bất động sản tạo rào cản kìm hãm tăng trưởng nhưng GDP quý IV của Trung Quốc đạt 4%, đưa tăng trưởng cả năm đạt 8,1% so với 2020. Giá trị sản lượng công nghiệp Trung Quốc cũng tăng tới 9,6%, doanh thu bán lẻ các sản phẩm tiêu dùng tăng 12,5%... trong năm 2021.
NBS cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì được sự ổn định trong năm 2021, dẫn đầu thế giới cả về phát triển kinh tế và dịch bệnh. Tuy nhiên, NBS cũng chỉ ra một loạt các yếu tố rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế Trung Quốc như bất động sản suy thoái và các biện pháp phòng chống dịch bệnh với sự xuất hiện của biến thể Omicron…
Mặc dù vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, GDP năm 2022 của Trung Quốc vẫn sẽ duy trì được mức tăng trưởng tốt khi nước này bớt thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời kiểm soát tốt khủng hoảng bất động sản và dịch bệnh.
Động lực tăng giá đối với dầu thô càng gia tăng khi lo ngại tình trạng nguồn cung dầu bị thắt chặt hơn sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Cuộc tấn công được cho là do nhóm Houthi của Yemen thực hiện và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở sản xuất dầu mỏ của UAE.
Đáng ngại hơn, giới phân tích lo ngại cuộc tấn công trên có thể kéo theo sự gia tăng căng thẳng giữa nhóm liên kết trong khu vực và có thể làm gián đoạn trên quy mô lớn nguồn cung dầu thô tại khu vực.
Sự cố làm nổ đường ống Kirkuk-Ceyhan, đường ống dẫn dầu thô của Iraq ra cảnh Kirkuk-Ceyhan, cũng là tác nhân đẩy giá dầu tăng cao.
Ngoài ra, nhiệt độ mùa đông ở Bắc bán cầu đang trở lên lạnh hơn có thể khiến nhu cầu về sưởi ấm tăng, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Điều này nếu diễn ra sẽ càng làm nghiêm trong hơn tình trạng mất cân bằng cung cầu trên thị trường vì có thực tế, trong suốt những tháng vừa qua, OPEC+ đã không thể đạt được mức gia tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng theo thoả thuận đã đạt được vào ngày 4/1 bởi năng lực khai thác của nhiều thành viên trong nhóm không đáp ứng được mức sản lượng phân bổ.
Craig Erlam, nhà phân tích của OANDA, trong mộ cuộc nói chuyện với Reuters đã cho rằng, với những yếu tố như trên, giá dầu có thể sớm cán mức 3 con số.
Theo báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ được phát đi ngày 18/1, OPEC dự đoá mức tăng về nhu cầu dầu mỏ không đổi so với dự báo trước đó, với mức tăng 4,2 triệu thùng/ngày, đưa tổng mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới lên mức 100,8 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
Tại báo cáo này, OPEC cũng cho rằng tác động của biến thể Omicron là nhẹ và tồn tại trong ngắn hạn và nó không đủ mạnh để làm chệch đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 19/1/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 86,88 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 88,76 USD/thùng. Đây là mức cao nhất của giá dầu kể từ tháng 10/2014.
Đà tăng của giá dầu chỉ bị chặn lại khi lo ngại tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu hạ nhiệt và lo ngại lạm phát toàn cầu tăng cao, cộng với đó là tâm lý chốt lời và việc nhiều quốc gia vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại có thể ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ toàn cầu được dấy lên. Tuy nhiên, khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay vẫn ghi nhận giá dầu thô đứng ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2021 trở lại đây.
Với những diễn biến trong tuần giao dịch từ ngày 17/1, giá dầu thế giới tuần tới vẫn nhận được những nhận định tích cực từ giới chuyên gia.
Cho rằng sự chững lại và giảm mạnh của giá dầu trong những phiên giao dịch cuối tuần là điều hết sức bình thường bởi các kho dự trữ dầu của Mỹ tăng mạnh và thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh làm các tài sản rủi ro rơi tự do, nhưng Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, vẫn tin rằng các yếu tố từ phía nguồn cung vẫn sẽ hỗ trợ giá dầu, và giá dầu có thể bùng nổ vào mùa hè tới.
Tình hình căng thẳng nguồn cung cũng được cho là sẽ khó được cải thiện khi năng lực sản xuất của các nhà cung cấp là hạn chế, trong đó OPEC+ vẫn đang gặp khó trong việc hoàn thành các mục tiêu tăng sản lượng.
Thậm chí, tình hình thắt chặt nguồn cung còn có thể gia tăng trước sự leo thang căng thẳng ở Đông Âu và Trung Đông.
Tại thị trường trong nước, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày 21/1, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.595 đồng/lít, xăng RON95 không cao hơn 24.360 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.903 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 17.793 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.993 đồng/kg.