Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, giá dầu có nguy cơ chạm mốc 100 USD/thùng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu giá hàng hóa toàn cầu tại Bank of America, dự báo giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng vào tháng 9/2022, thậm chí thị trường sẽ chứng kiến mức giá sốc này sớm hơn dự kiến nếu mùa Đông năm nay lạnh hơn bình thường.

Nhiều chuyên gia năng lượng cảnh báo đà leo dốc mạnh của giá “vàng đen” sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian sắp tới do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi nhu cầu tăng mạnh khi nhiều nước tăng tốc khôi phục hoạt động kinh tế sau đại dịch Covid-19.
 Giá dầu có thể sớm đạt mốc 100 USD/thùng do nguồn cung khan hiếm. Ảnh: Reuters
Randy Ollenberg - Giám đốc quản lý mảng nghiên cứu dầu mỏ, khí đốt thuộc hãng nghiên cứu thị trường BMO Capital Markets cho rằng thế giới đang ở vào thời điểm rất nhạy cảm với yếu tố thời tiết. Nếu mùa đông năm nay lạnh hơn bình thường, giá khí đốt có thể sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, còn giá dầu mỏ sẽ phá mốc 100 USD/thùng.
Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs hôm 26/10 cho biết có thể sẽ nâng mức dự báo giá dầu cuối năm nay lên cao hơn mức dự báo 90 USD/thùng khi nhu cầu dầu mỏ được dự báo tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng/ngày.
Giá dầu Brent hiện đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu do cuộc khủng hoảng năng lượng tại nhiều khu vực, từ châu Á đến châu Âu, trong khi đó Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC +, chỉ tăng sản lượng một cách “nhỏ giọt”. Trong phiên giao dịch ngày 26/10, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,41 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 86,4 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,89 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 84,65 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ tháng 10/2014. Bên cạnh sức ép từ nguồn cung toàn cầu khan hiếm, thị trường nhiên liệu còn chịu tác động từ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại Mỹ, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, tăng đột biến.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Chúng tôi dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong tháng 11 và tháng 12 do nguồn cung không tăng kịp nhu cầu và do OPEC+ không tăng sản lượng mạnh hơn”, nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy nhận định.
Được biết, OPEC+ đang bổ sung 400.000 thùng/ngày vào tổng sản lượng mỗi tháng, nhưng một số thành viên của liên minh này gặp khó trong việc thúc đẩy sản xuất, và điều này đã dẫn đến sự tuân thủ quá mức đối với việc cắt giảm tự nguyện và nguồn cung tiếp tục thắt chặt. Trên thực tế, OPEC+ đang thận trọng trong việc nâng sản lượng dầu mỏ dù Mỹ và nhiều nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ kêu gọi liên minh này bổ sung nguồn cung cho thị trường.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg cuối tuần trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman nói rằng, OPEC+ vẫn cần phải thận trọng trong cách tiếp cận của mình với việc điều chỉnh sản lượng dầu bất chấp giá dầu đang tăng mạnh. Bộ trưởng Bin Salman lưu ý thêm rằng, sản lượng cao hơn chỉ hợp lý khi có mục đích rõ ràng, mà theo ông, điều này hiện đã không còn do các công ty dịch vụ chuyển đổi từ khí đốt hoặc than đá sang dầu mỏ đang hoạt động ở quy mô rất hạn chế.