Nguồn nhân lực chất lượng cao: Nền tảng để phát triển đô thị sáng tạo

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội và tri thức của cả nước, Hà Nội có đầy đủ điều kiện, tiềm năng để xây dựng, phát triển mô hình đô thị sáng tạo. Điều cần nhất hiện nay là sự định hướng rõ rệt và cơ chế chính sách cụ thể của T.Ư và TP.

 Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tầm nhìn chiến lược
Xu hướng phát triển đô thị gắn liền với những xung nhịp của cách mạng công nghiệp 4.0 đã được khẳng định mạnh mẽ và trở thành tất yếu trên toàn thế giới. Là một trong những đại đô thị của Việt Nam và khu vực, Hà Nội đang có những nguồn lực vô cùng giá trị để bắt kịp xu hướng đó.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, đô thị sáng tạo là một khái niệm rất khác với đô thị thông minh. “Đô thị thông minh là một TP ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào quản trị, giải quyết nhu cầu dân sinh. Còn đô thị sáng tạo lại là nơi nghiên cứu, đưa ra những giải pháp công nghệ cho đô thị thông minh” - ông Thành phân tích.
Nhiều chuyên gia lý giải một cách ngắn gọn, có thể coi đô thị sáng tạo là một TP công nghệ, hay TP khoa học. Ở đó các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa đều lấy nghiên cứu, phát triển công nghệ làm trung tâm. Chính quyền TP sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất như cho các nhà khoa học thuê nhà giá rẻ, đầu tư các khu vực nghiên cứu chuyên biệt, ưu đãi về thuế, hỗ trợ chi phí sản xuất… cho các công ty hoặc trung tâm nghiên cứu.
Trong chiến lược phát triển, từ lâu Hà Nội đã xác định rõ sự cần thiết phải có những trung tâm công nghệ cao, những vệ tinh với vai trò đô thị sáng tạo. Đơn cử như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi đã được định hướng trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt Nam trong tương lai, một TP khoa học và công nghệ sinh thái thông minh.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất được thành lập từ năm 1998, với định hướng là nơi thu hút và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của các nhà đầu tư trong nghiên cứu phát triển, đào tạo, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong 4 lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa. Đây là đầu mối kết nối và thúc đẩy sự hợp tác giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Đầu tư cho tương lai
Hơn 20 năm trước, Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội đã xác định rất rõ vai trò của đô thị sáng tạo - là nền tảng cho sự phát triển của Thủ đô cũng như cả nước trong xu thế hiện đại hóa nền kinh tế. Bởi vậy, đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển các khu công nghệ cao tập trung. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển các khu công nghệ cao, còn được nâng tầm thành những đô thị sáng tạo quy mô với hạ tầng và chính sách quản trị chuyên biệt.
Đô thị sáng tạo là môi trường lý tưởng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia trong nước, quốc tế đến sinh sống, làm việc và phát triển, nâng cao năng lực nội sinh về khoa học công nghệ, tạo điểm đến cho các phát minh, sáng chế mang thương hiệu quốc gia. Bởi vậy, các chính sách quản trị phải luôn tạo ra sự ưu đãi tối đa cho các DN, tổ chức công nghệ và nguồn nhân lực của nó.
Đại diện Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, một trong những ưu đãi đó là chính sách thuế. Tại đây, các DN, tổ chức công nghệ được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cụ thể, miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ ngày sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Hay miễn 100% số thuế phải nộp trong 4 năm đầu tiên kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho DN…
Tuy nhiên, chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Minh Tiệp bày tỏ: “Khu công nghệ cao Hoà Lạc mới chỉ mang dáng dấp của một đô thị sáng tạo. Hà Nội cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ và an sinh cho khu vực này. Đồng thời xây dựng thêm các đô thị vệ tinh khác với chức năng tương tự mới có thể định hình rõ rệt đô thị sáng tạo của Hà Nội”.
Các chuyên gia cho rằng, điều kiện quan trọng nhất và đầu tiên để xây dựng đô thị sáng tạo là tầm nhìn và chính sách của T.Ư cũng như Hà Nội. Đó sẽ là bàn đạp quan trọng cho sự phát triển đô thị sáng tạo. Có chính sách thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, quản trị tốt nguồn lực cũng như thành quả khoa học công nghệ là những yếu tố căn bản để định hình và phát triển đô thị sáng tạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần