Nguy cơ bất ổn với các nền kinh tế mới nổi

Ngọc Diệp
Chia sẻ Zalo

Thậm chí ngay cả trước thời điểm cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, 2022 đã là một năm đầy thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi.

Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể là vấn đề tồi tệ nhất mà các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt trong 2022. Ảnh: Reuters
Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể là vấn đề tồi tệ nhất mà các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt trong 2022. Ảnh: Reuters

Tác động gián tiếp

Và đến thời điểm này, cuộc xung đột đã làm dài thêm một danh sách những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, vốn đã bao gồm lạm phát, tăng trưởng chậm, hay sự đứt gãy của chuỗi cung ứng từ hệ quả của đại dịch Covid-19. Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, cuộc chiến có thể sẽ là vấn đề tồi tệ nhất đối với kinh tế thế giới trong năm 2022.

Xuất phát điểm cho cuộc khủng hoảng này khó có thể là Nga, khi nền kinh tế của nước này đang hứng chịu hệ quả nặng nề từ các lệnh trừng phạt. Với quy mô tương đương với Úc hay Brazil, nhưng nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới được đánh giá có vai trò hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ thời điểm Nga sát nhập Crimea vào năm 2014, các ngân hàng phương Tây đã triển khai những giải pháp nhằm hạn chế sự ảnh hưởng từ nước này, qua đó hạn chế những tác động tài chính mang tính trực tiếp. Thay vào đó, nguy cơ với các nền kinh tế mới nổi sẽ đến một cách gián tiếp.

Yếu tố đầu tiên là nguồn vốn toàn cầu, hiện đang ngày càng bị thắt chặt. Cho dù chiến tranh không cho thấy nguy cơ trực tiếp tới sự ổn định của tình hình tài chính toàn cầu vào lúc này, thị trường đang ngày một trở nên bất an. Nếu điều này diễn biến thành sự hoảng loạn, dự báo sẽ có xu hướng rút nguồn vốn bằng đô la trên toàn cầu và khiến thanh khoản trở nên khan hiếm. Hệ quả từ đó là các thị trường sẽ mất đi sự cân bằng – điều đã xảy ra vào những tháng đầu tiên khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Chỉ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới can thiệp bằng các gói kích cầu chưa từng có tiền lệ, thế giới mới có thể tránh một cú shock tài chính toàn cầu. Nhưng cho dù với sự hỗ trợ này, hầu hết các nền kinh tế mới nổi vẫn phải đối mặt với sự suy thoái lớn khi đồng tiền nội tệ mất giá không phanh. Một số nền kinh tế còn thậm chí rơi vào cảnh vỡ nỡ.

Rủi ro địa chính trị gia tăng

Tất nhiên ở thời điểm này, sự khủng hoảng ở quy mô nói trên vẫn là một khả năng ở tương lai. Nhưng cuộc chiến đã khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang những tài sản mà họ đánh giá có ít rủi ro nhất. Thị trường chứng khoán ở hàng loạt các nền kinh tế mới nổi đã giảm điểm kể từ giữa tháng 2.

Trong tuần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, lợi tức của trái phiếu chính phủ Đức và Mỹ, vốn được coi như các giải pháp trú ẩn tài sản an toàn, đều giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm. Một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, tỉ giá đồng đô la bắt đầu tăng. Một số chỉ số cho thấy sự đi xuống của thị trường bắt đầu xuất hiện, cho dù chưa đến mức rơi vào khủng hoảng.

Lãi suất của các khoản vay không đảm bảo ngắn hạn, hay tỉ lệ lợi tức phi rủi ro qua đêm mà các ngân hàng ở những nền kinh tế lớn đặt ra cho các đối tác đều đã tăng.

Đây là những chỉ số cho thấy chi phí vay vốn tại các nền kinh tế mới nổi đã tăng, cùng với đó là gánh nặng nợ nần. Lợi tức từ trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp đều giảm ở mức khoảng 0,5 điểm phần trăm. Dù mức giảm này là khá khiêm tốn khi so khoảng 4% giảm điểm với của thị trường vào thời điểm tháng 4/2020, nhưng sau hai năm kinh tế khó khăn, sức ép duy trì cân bằng tài chính là không hề nhỏ.

Có thể chưa dẫn đến nguy cơ vỡ nợ, nhưng khó khăn của thị trường sẽ làm hạn chế đầu tư tư nhân và không gian tài khóa mà các chính phủ có thể tận dụng.

Tâm lý thận trọng trên thị trường sẽ khiến những khó khăn kinh tế vĩ mô trở nên tồi tệ hơn. Ở thời điểm trước khi diễn ra chiến tranh Nga-Ukraine, cả hai nước đều là những nền kinh tế xuất khẩu chính những hàng hoá mang tính chiến lược như dầu mỏ, khí đốt, kim loại công nghiệp, hay nông sản. Kể từ giữa tháng 2, giá cả các mặt hàng này đã tăng chóng mặt. Giá dầu hiện đã tăng hơn 25% so với những ngày trước, trong khi đó, giá lúa mỳ cũng tăng hơn 30%. Một số nền kinh tế mới nổi mang định hướng xuất khẩu có thể sẽ hưởng lợi từ xu thế này.

Nhưng kể cả họ cũng sẽ đối mặt với khó khăn lớn khi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, qua đó vắt kiệt nguồn tài chính vốn đã hạn hẹp của các hộ gia đình và giới hạn tác động của các chính sách tiền tệ.

Trước cuộc chiến, nỗ lực kéo dài gần một năm của Ngân hàng Trung ương Brazil nhằm đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, thông qua việc tăng lãi suất điều hành lên gần 9 điểm phần trăm, đã mang lại hiệu quả nhất định. Nhưng nay việc giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh đang đe doạ thành quả này. Thổ Nhĩ Kỳ, với lạm phát hiện đã tăng gần 50% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí còn ở tình huống khó khăn hơn.

Ngày 1/3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến nghị Nga đồng ý về một thoả thuận ngừng bắn. Các nước nhập khẩu lúa mỳ và dầu hướng dương lớn ở khu vực Bắc Phi hay Trung Đông, trong đó đáng chú ý là Ai Cập, có thể sẽ sớm phải đối mặt với mức giá các mặt hàng này tăng phi mã, và qua đó gây ra những bất ổn trong xã hội.

Những diễn biến này sẽ dẫn đến một nguy cơ tiếp theo. Cuộc tấn công của Nga tại Ukraine, các phản ứng của phương Tây thông qua biện pháp trừng phạt về tài chính và kinh tế, là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế toàn cầu khi trong những năm qua đã phải trải qua nhiều khó khăn từ những cuộc chiến thương mại, đại dịch, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, và môi trường chính trị ngày càng khó đoán định.

Khi nhìn vào diễn biến quân sự ở Đông Âu, các tập đoàn kinh tế và nhà đầu tư toàn cầu có thể sẽ phải đánh giá lại các rủi ro địa chính trị khi đầu tư ở các thị trường nước ngoài. Điều này sẽ làm tăng chi phí rủi ro khi đầu tư và qua đó tác động tiêu cực tới các nền kinh tế mới nổi với tăng trưởng phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.

Ở những thời điểm khó khăn, nhà đầu tư toàn cầu thường quan tâm ít tới lợi nhuận mà chủ yếu tính tới vấn đề bảo toàn vốn. Nếu điều đó dẫn đến quyết định rút vốn, hệ quả của cuộc chiến sẽ còn bao gồm cả những nền kinh tế mới nổi.