Gia tăng bệnh nhân đột quỵ
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ, trong đó, hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Cùng đó, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca tử vong do căn bệnh này với hơn 6% trong số đó là người người trẻ. Đây là con số đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới nhưng rất ít trường hợp đột quỵ được đưa đến bệnh viện (BV) trong 6 giờ đầu là thời gian vàng để cứu sống người bệnh.
Nhiều người dù sống sót sau cơn đột quỵ nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí, mất khả năng lao động.
Đặc biệt, khi thời gian này thời tiết chuyển lạnh, nhiều BV ghi nhận số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Tại một số cơ sở y tế đã ghi nhận nhân đột quỵ não nhập viện trong tình trạng hôn mê. Người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi tắm, bệnh nhân vấp phải tình trạng choáng váng, bị ngã hoặc bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não do tăng huyết áp.
Bác sĩ Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương cho biết, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Tương tự, tại BV Trung ương Quân đội 108, những ngày gần đây, các bác sĩ khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh của BV phải làm việc với cường độ cao khi số lượng bệnh nhân tăng 20 - 25% so với mức thu dung trung bình. Bệnh nhân vào viện đợt này không những tăng về số lượng mà tính chất bệnh cũng rất nặng nề, chủ yếu là các bệnh nhân chảy máu não.
Còn tại BV Châm cứu Trung ương, số lượng bệnh nhân nhập viện những ngày gần đây gia tăng khoảng 50%, chủ yếu do đột quỵ. Bên cạnh đó, trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 có nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ, BV Bạch Mai, đột quỵ nguy hiểm không chỉ bởi nó là căn bệnh cấp tính, không thể lường trước mà còn do di chứng để lại là rất nặng nề. Bệnh nhân đột quỵ ở thể nặng có thể tử vong trong giờ đầu, ngày đầu. Qua thời gian nguy hiểm để lại di chứng nặng như liệt nửa người, phải có người hỗ trợ sinh hoạt, tổn hại về sức khỏe và tinh thần... Đáng nói là do thiếu hiểu biết, nên nhiều gia đình đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn.
“Các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là do tăng huyết áp, chiếm khoảng 78% số người bị đột quỵ. Trong khi đó, tỉ lệ người bị đột quỵ được đưa đến BV cấp cứu trong 6 giờ đầu còn thấp, mới có 33% số người được nghiên cứu. Do đó, trong mùa lạnh người bệnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc” - PGS.TS Mai Duy Tôn lưu ý.
Di chứng nặng nề
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Thế Anh - Trưởng Đơn nguyên Đột quỵ, BV Thanh Nhàn cho hay, đột quỵ thường xảy ra khi cơ thể thay đổi trạng thái, ví dụ đặc biệt việc thức dậy lúc nửa đêm và lưu ý giữ ấm đầu, cổ khi đi ra ngoài trời bởi nếu không giữ ấm những vùng đó thì quy cơ xảy ra đột quỵ rất cao.
Để phòng, chống đột quỵ trong mùa lạnh, người có bệnh nền cần kiểm soát bệnh ổn định, không chỉ người cao tuổi, mọi người đều cần giữ ấm cơ thể, có lối sống lành mạnh, khi có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh những di chứng nặng nề.
Với các bệnh nhân có bệnh lý về huyết áp hay tim mạch, khi có những dấu hiệu méo miệng, lưỡi tê cứng, khó nói hoặc không nói được, nhìn mờ thì gia đình cần gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, một số biểu hiện như cảm giác tê mỏi chân tay, khó khăn khi thực hiện các thao tác sinh hoạt, mỏi lưỡi tê cứng, nói chậm, rối loạn trí nhớ, không phân biệt được những điều đang xảy ra xung quanh... cần đưa đến cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ cao để gia tăng cơ hội sống và khả năng phục hồi, không để lại di chứng.
Theo các chuyên gia y tế, người cao tuổi huyết áp thường không quá 140/90mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa... Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, vào mùa lạnh, người dân cần giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy.
Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Ngoài ra, người cao tuổi cần uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Thêm vào đó, người dân nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, để ngăn ngừa đột quỵ.