Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra quanh năm nhưng vào mùa nắng nóng thường xảy ra nhiều hơn, đặc biệt vào mùa du lịch.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP của Hà Nội kiểm tra bếp ăn của nhà hàng Maison Sen (quận Thanh Xuân). Ảnh: Thanh Bình
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP của Hà Nội kiểm tra bếp ăn của nhà hàng Maison Sen (quận Thanh Xuân). Ảnh: Thanh Bình

Ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, nếu không có kỹ năng xử lý kịp thời rất dễ để lại hậu quả đáng tiếc.

Nhiều trường hợp bị ngộ độc, 10 trường hợp cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm

Thông tin từ Bệnh viện 119 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận gần 10 bệnh nhân là khách du lịch từ Hà Nội đến cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm.

Theo thông tin ban đầu, các nạn nhân bắt đầu bị các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, đau bụng và tiêu chảy ngay sau khi ăn tại một quán ăn không rõ địa chỉ trên địa bàn quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Họ đã nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện 199 để được cấp cứu và điều trị. Hiện tại, các bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Trước đó, khoảng đầu tháng 8/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa. Ngay lập tức, các y bác sĩ đã khám cho truyền dịch, hỗ trợ men tiêu hoá.

Tổng số bệnh nhân là 34 du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh được xác định là bị ngộ độc thực phẩm. Điều đáng nói là đoàn du khách này tham quan, ăn uống nhiều nơi trong ngày. Sau khi thông tin vụ ngộ độc tập thể xảy ra, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Đà Nẵng và Phòng Y tế quận Sơn Trà đã phối hợp xử lý.

Qua đó, các bác sĩ Bệnh viện 199 khuyến cáo, để tránh ngộ độc thực phẩm, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, ăn uống cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, người dân mua thực phẩm từ các nguồn uy tín, quán ăn có chứng chỉ vệ sinh ATTP. Người dân kiểm tra thực phẩm trước khi tiêu thụ, tránh ăn thực phẩm có mùi hôi, hư hỏng, không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với thực phẩm…

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, khi đi du lịch, do không có điều kiện tự chuẩn bị đồ ăn mà phải ăn ngoài tại các nhà hàng, nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm. Do vậy, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, để tránh ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch, người dân nên lựa chọn những nhà hàng, quán ăn có uy tín và đánh giá cao trên các trang web.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm điều trị ở Bệnh viện 119 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng.
Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm điều trị ở Bệnh viện 119 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, người dân nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và ăn nóng. Điều chỉnh khẩu vị dần dần với thực phẩm địa phương. Đặc biệt, người dân không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch. Tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.

Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu về thực phẩm và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày. “Để đảm bảo sức khỏe trong chuyến đi, hãy hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn và hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng bệnh truyền nhiễm” - PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn lưu ý.

Cẩn trọng ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch

Liên quan đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, Hà Nội là địa phương có nhiều địa danh, di tích lịch sử thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Chính vì vậy, công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP luôn được đặt lên hàng đầu. Chi cục ATVSTP đã yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nhất là phải lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ…

Ngành Y tế Hà Nội cùng các cơ quan chức năng của TP sẽ tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, sai sót nhỏ nhất như không sử dụng găng tay khi bốc thức ăn chín, vệ sinh khay bát không sạch, đeo trang sức khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, khi đi biển, nhiều người thích ăn các món hải sản, thậm chí ăn ngay trên bờ biển. Cách chế biến hải sản ngay trên bờ biển có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Bên cạnh đó, các món ăn hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, như tôm, cua, ghẹ, mực, sò, hàu… dễ gây dị ứng với người mẫn cảm và không tốt với người bị bệnh gout.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thường bao gồm buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không được xử lý kịp thời. Tùy từng loại ngộ độc có thể gây sốt hoặc có triệu chứng rối loạn về thần kinh. Mức độ biểu hiện của các triệu chứng phụ thuộc vào chủng ngộ độc.

Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm, du khách nên ăn uống các loại thực phẩm chế biến đúng cách. Mang theo thuốc và dùng khi cần thiết. Không uống rượu quá nhiều, tránh sử dụng nước giải khát không đảm bảo nguồn gốc.

Đặc biệt với trẻ em, cha mẹ trước tiên phải đảm bảo ATTP cho trẻ. Nên nhắc nhở, giám sát trẻ thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi. Khi có dấu hiệu bất thường như nôn, tiêu chảy kèm sốt sau khi tiếp xúc với các yếu tố có nghi ngờ cần được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bị mất nước nhiều, gây rối loạn điện giải. Trong trường hợp mất điện giải nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo sức khỏe của địa phương nơi đến, tuân thủ các quy định liên quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như những người xung quanh. Người dân chỉ nên mua thực phẩm từ nguồn đáng tin cậy và được công nhận, tránh ăn ở những nơi thức ăn không được che đậy cẩn thận.

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 5/2023, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 269 người bị ngộ độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 34 vụ ngộ độc thực phẩm với 613 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người tử vong. Vào mùa du lịch, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu. Thêm vào đó, thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách cũng là nguyên nhân gây nguy cơ gia tăng các vụ ngộ độc.