Những áp lực bên ngoài khiến trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm, chia sẻ để tránh xảy ra những nguy hại do chứng trầm cảm tuổi học đường.
Nhiều học sinh tự tử
Áp lực từ gia đình, học tập, cuộc sống... là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ học sinh tự tử thời gian gần đây.
Một nam sinh (16 tuổi) đang học tại trường THPT chuyên ở Hà Nội nhảy lầu tự tử từ tầng 28, chung cư Văn Phú Victoria (quận Hà Đông) xuống đất rạng sáng 1/4 khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Tương tự, mới đây, ngày 31/3, gia đình cháu N.K.L. học sinh lớp 8, trường THCS Đại Phúc, TP Bắc Ninh phát hiện cháu L. tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng. Trước khi treo cổ tự tử cháu N.K.L. để lại thư và nhiều trang nhật ký nói mình sắp đi xa.
Hay như nam sinh N.V.N. (ở Bình Định) đến TP Hồ Chí Minh nhập học ngày 12/2, mất tích sau đó tử vong và được kết luận do tự tử. Sau đó ít ngày, một nữ sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) cũng đã nhảy từ tầng 3 xuống tự vẫn.
Trong giây phút không kiểm soát được tâm trạng, không làm chủ được lý trí, những đứa trẻ thiệt thân nhưng nỗi đau thì còn ám ảnh mãi với người ở lại. Có người cha, người mẹ nào nguôi được nỗi đớn đau khi tận mắt chứng kiến con mình từ bỏ cuộc sống, sinh mạng ngay trước mắt mà không cách nào níu giữ? Cần bao nhiêu thời gian để làm nguôi đi vết thương khi đứa con mình dứt ruột đẻ ra, tốn bao công lao, tình cảm nuôi dưỡng tự tước đi mạng sống của chính mình?
Cuộc sống với vô vàn những áp lực, bế tắc, dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nhiều người đến căn bệnh trầm cảm. Rất nhiều người đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát, vậy làm sao biết người trầm cảm muốn tự tử, cần làm gì để hỗ trợ người bị trầm cảm?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 ở các trẻ từ 15- 19 tuổi trên thế giới. Theo Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới. Đặc biệt, sau khi nhiễm Covid-19, một tỉ lệ cao bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần. Trong đó, những triệu chứng của trầm cảm có thể lên đến 50%.
Theo các chuyên gia, trầm cảm thường bắt đầu do chịu không nổi áp lực trong cuộc sống, dẫn đến những thiếu hụt về dẫn chất thần kinh trong não. Đó có thể là áp lực vì thất bại trong yêu đương; mất việc làm; mất vị trí, bị bạn bè trấn áp, áp lực học hành, thi cử;… Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Tô Thanh Phương - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Trưởng khoa Cấp tính nữ cho biết: Trầm cảm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong bất kỳ một thời điểm nào đó của cuộc đời và khoảng 10-15% dân số có thể bị bệnh trầm cảm. Điểm lưu ý quan trọng nhất là khi có các dấu hiệu trầm cảm như lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng xảy ra thường xuyên và kéo dài, người bệnh không nên cố gắng chịu đựng một mình mà nên tìm gặp bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người bệnh trầm cảm còn cố gắng giấu giếm cảm xúc của mình, vì thế nếu thấy người thân có dấu hiệu khác thường, hãy khuyên họ đi gặp bác sĩ để được điều trị bệnh kịp thời.
Cách nhận biết và điều trị chứng trầm cảm học đường
Theo TS Ngô Anh Vinh – Phó Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi tự tử ở lứa tuổi này. Đây là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử do bản thân, gia đình cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại trong học tập, thi cử.
TS Ngô Anh Vinh cho rằng: Việc hiểu rõ những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp bố mẹ tìm cách giải quyết và ngăn ngừa kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ sau đây, cha mẹ cần chú ý, dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm. Đơn cử như trẻ luôn than thở buồn chán, cảm thấy mình tội lỗi xấu xa và vô dụng. Trẻ có những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết. Trẻ có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao,….
“Cha mẹ không áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Phụ huynh cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lý, tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội. Đồng thời, dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống. Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi làm việc với trẻ vị thành niên các bậc phụ huynh cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phát xét, đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ” - TS Ngô Anh Vinh nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, số bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý nhiều hơn, trong đó phần lớn là trẻ em từ 15-20 tuổi đến khám chủ yếu với biểu hiện rối loạn trầm cảm. Về mặt sinh học, ở tuổi thanh niên xuất hiện trầm cảm sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng, dễ nóng nảy, bứt rứt, mất ngủ. WHO cũng cho biết, thanh thiếu niên bị trầm cảm dễ gây ra hành vi xung động, chống đối xã hội. Điều này khác với trầm cảm ở người lớn, họ thường thu lại, ít giao tiếp và tiêu cực.
Bác sĩ Minh cho rằng, điều trị trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên nổi bật nhất vẫn là điều trị tâm lý. Tuy nhiên, trầm cảm vẫn có thể tái phát trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, khi người bệnh có những biến cố ảnh hưởng đến tâm sinh lý như sinh em bé, tiền mãn kinh, thay đổi công việc, môi trường sống, gia đình… Ngoài liệu pháp tâm lý, trong những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc chống trầm cảm, giải lo âu. Thuốc sẽ có tác dụng nhiều trong giai đoạn bệnh trầm cảm nặng, có biểu hiện gây mê, tự sát hoặc hoang tưởng thì cần dùng tới thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý từ bác sĩ và gia đình.
“Gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên cần dành nhiều thời gian chăm sóc, trò chuyện với trẻ. Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng bất thường về tâm lý, phụ huynh cần đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm lý để can thiệp kịp thời, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, khả năng tiếp thu trong học tập của trẻ” - bác sĩ Minh khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, cuộc sống hiện đại làm cho con người có nhiều mối lo toan, các thành viên trong gia đình đều rất bận rộn. Họ ít có thời gian dành cho nhau và cũng ít tâm sự, chia sẻ với nhau. Ngoài ra, sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng còn hạn chế nên thường bỏ qua những trường hợp người thân có ý tưởng tự tử.
Trong khi đó, nếu trầm cảm nặng không được can thiệp y khoa sớm, rất dễ dẫn đến ý tưởng toan tự tử, cộng thêm thiếu sự nâng đỡ của bạn bè, người thân..., người trầm cảm dễ có hành vi toan tự tử. Nhưng trầm cảm cũng chỉ là một dạng bệnh lý, có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên thời gian điều trị, theo dõi phải cần ít nhất 6 tháng bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Chính vì lẽ đó, trước tiên điều cần thiết phải làm là cần phát hiện người thân có biểu hiện trầm cảm, có ý tưởng định tự tử để đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa để khám và có những can thiệp y khoa phù hợp.
Để ngăn trẻ trầm cảm, phụ huynh cần quan tâm đến những biểu hiện tinh tế nhất của trẻ. Càng phát hiện sớm những biểu hiện bất thường càng giúp trẻ thoát khỏi bế tắc. Điều trị trầm cảm bằng cách an ủi, động viên, trò chuyện thường tỏ ra có hiệu quả.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; hoặc giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ.
Biểu hiện mệt mỏi: Mất hứng thú hoặc niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đây.
Trẻ suy nghĩ bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng
Trẻ hay lo lắng, dễ kích động hoặc bồn chồn.
Trẻ giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân, có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội.
Trẻ khó suy nghĩ, suy nghĩ chậm chạp; khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ.
Trẻ rối loạn giấc ngủ: Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều.
Bất thường ăn uống: Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn.
Trẻ có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử.
Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu, đau bụng…
Đối với trẻ vị thành niên có bệnh trầm cảm, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người.
Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng mà muốn xa lánh với tất cả mọi người. Đặc biệt, khi trẻ cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hành động, cử chỉ thì sẽ có hiện tượng nổi loạn, muốn phản kháng lại và ngừng tiếp nhận thông tin. Biểu hiện đó khiến trẻ bị hiểu lầm là “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương”.
Bác sĩ Nguyễn Tâm Long - Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108