70 năm giải phóng Thủ đô

Nguy hại sử dụng điện thoại khi đang sạc

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, nhiều vụ tai nạn do nổ điện thoại khi đang sạc gây cụt chi, bỏng mặt… Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Nhiều tai nạn do nổ điện thoại khi sạc

Ngày 24/5, thông tin từ Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức cho biết, BV đã tiếp nhận nam thanh niên tên là V.V.T. (ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) nhập viện với bàn tay trái bị dập nát, vùng mặt có nhiều vết thương do điện thoại phát nổ khi vừa sạc vừa chơi điện tử.

Qua khai thác tiền sử được biết, trong lúc nam thanh niên này vừa sạc vừa chơi điện tử thì chiếc điện thoại bỗng nhiên phát nổ. Ngay sau đó, T. được người nhà nhanh chóng chuyển đến cấp cứu tại BV Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng bàn tay trái gần như dập nát.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân - Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, BV Hữu nghị Việt Đức xem phim chụp bàn tay của nạn nhân.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân - Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, BV Hữu nghị Việt Đức xem phim chụp bàn tay của nạn nhân.

Tại đây, người bệnh đã được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật xử lý vết thương. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân - Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, người bệnh đã được tiến hành phẫu thuật xử lý mỏm cụt ngón 1,2; khâu vết thương ngón 3, xử lý vết thương phần mềm vùng mặt và vết thương cẳng chân.

Trước đó, BV Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một nam bệnh nhân tên là N.T. (23 tuổi, là công nhân xây dựng tại Hà Nội) bị mất thị lực, cháy sém toàn thân và tổn thương nhiều cơ quan như: Thủng màng nhĩ, gãy tay trái… do nổ điện thoại khi sạc. Sau tai nạn, bệnh nhân được đưa vào BV trên địa bàn để cấp cứu, loại bỏ nhiều dị vật trên cơ thể.

Tuy nhiên, hai mắt của bệnh nhân vẫn không nhìn thấy nên được chuyển đến Khoa Mắt (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện rất nhiều dị vật trong mắt của bệnh nhân T. Các dị vật này gây đục thể thủy tinh, bong võng mạc. Ngay sau đó, bệnh nhân có chỉ định mổ lấy dị vật giác mạc, nội nhãn và lấy thể thủy tinh.

Bệnh nhân T. trong thời gian điều trị tại BV Bạch Mai: Mất thị lực, cháy sém toàn thân và tổn thương nhiều cơ quan
Bệnh nhân T. trong thời gian điều trị tại BV Bạch Mai: Mất thị lực, cháy sém toàn thân và tổn thương nhiều cơ quan

Các bác sĩ chẩn đoán, khả năng hồi phục thị lực của bệnh nhân rất thấp, nguy cơ mù cao, mất khả năng lao động. Ngoài mắt, tay trái của bệnh nhân cũng bị gãy phải xử lý nẹp đinh và thủng màng nhĩ hai bên. Bệnh nhân đã được các bác sĩ gắp ra nhiều dị vật thủy tinh trên mặt.

Tuyệt đối không dùng điện thoại khi đang sạc

Tương tự, Đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình, BV Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận điều trị cho bé gái B.A. (29 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị điện giật ngừng tim, bất tỉnh, bỏng sâu toàn bộ lòng bàn tay trái do sạc pin điện thoại.

Theo mẹ cháu bé kể lại, ngày 18/3/2022 (trước khi vào viện một tuần), trẻ chơi cùng chị gái 5 tuổi còn người nhà nấu cơm, thấy điện thoại đang sạc pin, trẻ đã tự ý rút sạc điện thoại để chơi, khiến trẻ bị điện giật. Sau tai nạn, trẻ nằm bất tỉnh, tím tái, lòng bàn tay trái cháy đen. May mắn, chị gái của cháu (5 tuổi) đang đạp xe gần đó, thấy em bị điện giật nên chạy gọi người nhà, hô hoán. Trẻ được hàng xóm gần nhà chạy đến giúp đỡ, sau đó tiến hành sơ cứu ép tim, sau ép tim, cháu tỉnh lại, gia đình lập tức đưa đến cơ sở y tế địa phương cấp cứu và tiếp tục chuyển đến BV Nhi Trung ương điều trị.

Bé gái B.A. (29 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện điều trị sau khi bị điện giật ngừng tim, bất tỉnh.
Bé gái B.A. (29 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện điều trị sau khi bị điện giật ngừng tim, bất tỉnh.

Bác sĩ Phùng Công Sáng - Phụ trách đơn vị Bỏng, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình, BV Nhi Trung ương cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi tại khoa cấp cứu chống độc, trẻ đã được đánh giá và điều trị nguy cơ về tim mạch, suy thận cấp.

Khi tình trạng trẻ ổn định, các bác sĩ đã tiến hành mổ cắt lọc hoại tử, chuyển vạt da, ghép da vùng bàn tay (tổn thương hoại tử cả da cân cơ và xương bàn ngón tay) để giữ lại bàn tay cả về chức năng và thẩm mỹ cho trẻ.

Theo bác sĩ Phùng Công Sáng, các thiết bị sạc điện thoại thường có bộ phận đổi điện áp, có đầu ra điện áp rất thấp.

Tuy nhiên, nếu dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi, vẫn có thể gây nguy hiểm, việc này đã được cảnh báo nhiều lần trên các kênh thông tin đại chúng.

Đối với trẻ nhỏ, vốn rất hiếu động, hay nghịch ngợm và tò mò, tai nạn liên quan đến sạc điện thoại xảy ra không hiếm, chủ yếu do các bé nghịch sạc điện thoại vẫn cắm vào nguồn điện hoặc do cầm điện thoại chơi khi đang sạc.

Bác sĩ Phùng Công Sáng khuyến cáo, để tránh những tai nạn thương tâm và đáng tiếc xảy đến với trẻ nhỏ liên quan đến điện, cha mẹ cần lưu ý luôn luôn rút sạc ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng, ổ cắm điện phải có thiết bị che bảo vệ. Không để bé chơi điện thoại trong khi đang sạc pin. Đặt điện thoại đang sạc ở xa tầm với của bé. Đảm bảo dây sạc được đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách. Nhà có trẻ nhỏ cha mẹ cần luôn có người trông coi, theo dõi thật cẩn thận.

“Khi trẻ bị bỏng điện, cần tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) một cách nhanh nhất có thể, nếu trẻ bị nạn ở trên cao thì phải bố trí đỡ trẻ khi bị rơi và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát. Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu cho đúng, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi (nếu có) bị nặng thêm.

Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ. Gia đình chỉ nên di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khi trẻ đã được sơ cấp cứu ban đầu.

Chỉ tiến hành xử trí vết bỏng điện khi trẻ không có rối loạn toàn thân, không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng, chỉ nên rửa sạch vết bỏng và phủ gạc sạch lên” - bác sĩ Phùng Công Sáng lưu ý.

Các chuyên gia khuyến cáo, gần đây, nhiều vụ tai nạn do nổ điện thoại khi đang sạc gây cụt chi, bỏng mặt. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều nhưng những vụ tai nạn tương tự vẫn xảy ra. Do đó, người dân tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố.

Để tránh những sự cố đáng tiếc, người dân hãy sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng phụ kiện (pin, bộ sạc...) kèm theo điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, được chính hãng ủy quyền và đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng.

Hạn chế sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử cầm tay (hand-held) khi đang sạc pin. Người sử dụng nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin. Không để các loại máy có nhiều từ trường như: Máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại ở gần nhau. Bởi trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, bị hỏng, mạch nguồn có thể bị đánh thủng dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì gây hỏng điện thoại và giật, gây nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là những điện thoại vỏ kim loại.

Nếu chẳng may gặp phải nạn nhân bị chấn thương do điện thoại phát nổ khi sạc thì cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị để tránh điện giật. Sau đó, nhanh chóng băng bó vết thương, bất động vết thương và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.