Phát hiện nhiều sản phẩm chứa chất cấm
Cục ATTP cho biết đã nhận được thông báo Cơ quan Khoa học Y tế Singapore phát hiện sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power chứa tân dược chuyên điều trị chức năng tình dục ở nam giới. Cụ thể, sản phẩm này có thành phần ghi trên nhãn gồm: Non Dairy Creamer, Sugar, Instant Coffee Powder, Maca Powder, Catuaba Powder, Saw Palmetto, Tongkat Ali Extract, Superba Extract, Sky Fruit Extract; đóng dạng gói; sản xuất bởi California Pure (Mỹ) bị phát hiện chứa Tadalafil (129,07mg/gói).
Điều đáng nói, trên các mạng xã hội, website của Việt Nam cũng thấy xuất hiện các dòng quảng cáo giới thiệu loại "kẹo" đặc biệt dành cho nam giới này, gồm các thành phần thảo dược giúp tăng sức mạnh quý ông. Tuy nhiên, qua rà soát hồ sơ cấp phép từ tháng 9/2014 đến nay, Cục ATTP khẳng định không cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho sản phẩm thực phẩm nêu trên.
Được biết, tadalafil là một tân dược được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới, là thuốc điều trị theo đơn. Hiện sản phẩm này không được cấp phép tại Việt Nam. Trước đó, Cục ATTP cũng nhận được thông tin Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) và Bộ Y tế Brunei thông báo về việc phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại Singapore và Brunei... Các cơ quan này cảnh báo người dân về sản phẩm thực phẩm (không phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe) chứa tân dược.
Đơn cử như sản phẩm cà phê Al-Ambiak (Natural Herbs Coffee) được rao bán trên các trang thương mại quốc tế với quảng cáo hoàn toàn từ thảo mộc tự nhiên, có khả năng tăng cường sinh lý. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm này chứa chất cấm Desmethyl Carbodenafil, thành phần chính kích thích cương dương trong Viagra.
Sản phẩm kẹo tăng cường sinh lý Kopi Jantan Ali Macca, Berry Jaga Chewable đều được phát hiện có chứa thuốc điều trị bệnh liên quan tới chức năng tình dục là Sildenafil và Tadalafil. Trà Freaky Fitz chứa sibutramine. Sản phẩm Shen Qi Dan Bai Nian Cao Yao chứa chlorpheniramine, dexamethasone, diclofenac, frusemide. Sản phẩm Ricalinu chứa dexamethasone, meloxicam, tramadol.
Tương tự, thời gian qua, Cục ATTP cũng đã thông tin về 2 sản phẩm kẹo Hickel và Soloco được quảng cáo "100% tự nhiên", "công thức tự nhiên nguyên chất" và "không tác dụng phụ" nhưng thực chất chứa hàm lượng tadalafil - một thành phần dược chất vốn điều trị chứng rối loạn cương dương, cao gấp 30 lần so với liều dùng hàng ngày cho phép. Sử dụng hàm lượng cao tadalafil như vậy rất nguy hiểm và có thể gây tăng nguy cơ gặp phải các biến cố bất lợi nghiêm trọng, bao gồm đau tim, đột quỵ, mất thị giác và thính giác.
Cảnh giác với chiêu quảng cáo
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, hiện nay, các sản phẩm hạt macca, nhân sâm, rễ cây mật nhân, Tongkat Ali… đều là những thảo dược “có tiếng” được sử dụng để điều trị yếu sinh lý, đặc biệt cho nam giới. Tuy nhiên, công dụng này chủ yếu được “truyền tai” chứ chưa có đánh giá, báo cáo khoa học rõ ràng. “Thực tế, không có loại thảo dược nào có khả năng tăng cường sinh lý tức thì. Nếu sử dụng thì cũng chỉ được đánh giá như thực phẩm chức năng chứ không có khả năng trị liệu” - bác sĩ Hưng cho hay.
Theo chuyên gia, Viagra, Tadalafin, Levitra… là các thuốc điều trị rối loạn cương dương cho nam giới và phải có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu tùy tiện sử dụng, các loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, giống như “con dao hai lưỡi”. Bởi qua các nghiên cứu, đánh giá cho thấy, các thuốc điều trị sinh lý nam có thể mang đến nguy cơ suy vành tim, nhồi máu cơ tim hoặc cương dương quá lâu mà không xuống được.
Một số trường hợp cũng có thể bị dị ứng, mẩn ngứa. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, các sản phẩm mình sử dụng là thực phẩm chức năng nên lành tính mà không biết hậu quả nếu có chứa tân dược. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người dân nên cảnh giác với các quảng cáo nâng cao “bản lĩnh đàn ông” một cách nhanh chóng, chưa được Bộ Y tế cấp phép… để tránh hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là với người có bệnh lý về tim mạch.
Thực trạng trộn tân dược vào các sản phẩm sinh lý đã được cảnh báo từ lâu. Một số sản phẩm gắn mác thảo dược nhưng khi kiểm tra lại phát hiện có chứa tân dược, vốn là các thuốc điều trị các bệnh sinh lý nam giới cần có chỉ định, kê đơn. Do đó, Cục ATTP khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng và báo cho cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.
Theo Cục ATTP, người dân nên lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành. Người tiêu dùng lưu ý mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín, kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.
"Hiện nay, thực phẩm giảm cân và tăng cường sinh lý nam là 2 dòng thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quản lý chặt - phương thức kiểm tra cao nhất theo quy định." - Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong |