Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hiểm biến chứng bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viêm mao mạch dị ứng là bệnh lý cấp tính với nguyên nhân chủ yếu là rối loạn tự miễn dịch gây viêm, chảy máu lan tỏa vi mạch ở nhiều cơ quan, từ đó sinh ra các biến chứng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Bác sĩ Hồ Anh Tuấn – Khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay nguyên nhân mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng còn chưa được biết rõ nhưng có 1 số yếu tố liên quan sau đây:

Sau nhiễm trùng: Virus: EBV, viêm gan C, Parvovirus, Adenovirus, Thủy đậu, Rotavirrus

Vi khuẩn: Mycoplasma, helicobacter pylori, lỵ trực khuẩn, thương hàn….

Sau tiêm vaccine phòng thương hàn và phó thương hàn, sởi, sốt vàng và bệnh tả; sau khi bị côn trùng đốt; sau khi dùng mốt số thuốc như là ampicillin, erythromycin, penicillin, quinine…

Do cơ địa dị ứng và sau ăn một số thức ăn dễ gây dị ứng

Chia sẻ về các yếu tố khiến trẻ dễ bị viêm mao mạch dị ứng, bác sĩ Hồ Anh Tuấn cho hay, yếu tố liên quan đến trẻ là sau nhiễm trùng một số virus và vi khuẩn; sau tiêm phòng một số vaccine; sau khi bị côn trùng đốt; sau dùng một số thuốc ví dụ như kháng sinh, cơ địa dị ứng.

Ngoài ra, yếu tố khiến trẻ dễ bị viêm mao mạch dị ứng là liên quan đến yếu tố môi trường như: thay đổi thời tiết, ô nhiễm môi trường.

Cách nhận biết

Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm giảm tỷ lệ biến chứng, thậm chí đe dọa tính mạng do viêm mao mạch dị ứng ở trẻ. Các dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm mao mạch dị ứng bao gồm:

Biểu hiện ngoài da: Phát ban dạng xuất huyết dị ứng; chủ yếu ở 2 cẳng chân và tay.

Nguy hiểm biến chứng bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ.
Nguy hiểm biến chứng bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ.

Biểu hiện ở khớp: Sưng đau các khớp chủ yếu là khớp gối và cổ chân; có thể xuất hiện trước phát ban 1-2 tuần. Khi khỏi bệnh thì hết đau khớp và không để lại di chứng.

Biểu hiện ở tiêu hóa: Đau bụng; nôn và buồn nôn; ỉa phân có máu.

Biểu hiện ở thận và tiết niệu: Đái máu đại thể hoặc vi thể; có thể phù nhẹ tùy mức độ tổn thương thận. Các dấu hiệu biểu hiện trên có thể đầy đủ hoặc không, tùy theo thể bệnh

Bác sĩ Hồ Anh Tuấn cho biết, các xét nghiệm cận lâm sàng cần làm như công thức máu; siêu âm bụng, khớp; xét nghiệm nước tiểu xác định tổn thương thận; các xét nghiệm chuyên sâu khác khi cần thiết.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm mao mạch dị ứng

Cha mẹ thường xuyên vệ sinh mũi miệng, da; nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc, dọn vệ sinh và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

Đặc biệt về chế độ dinh dưỡng: Cha mẹ cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ tiêu, dễ nuốt. Cho trẻ uống nhiều nước và ăn nhiều thức ăn có vitamin C. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường.

Theo bác sĩ Hồ Anh Tuấn, không phải tất cả trường hợp trẻ bị viêm mao mạch dị ứng đều cần điều trị tại bệnh viện. Trẻ có thể điều trị tại nhà nếu viêm mao mạch dị ứng đơn thuần không có tổn thương thận và tiêu hóa đi kèm.

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám khi trẻ có một trong các dấu hiệu: Đau bụng; đái ra máu; sưng đau khớp nhiều; phát ban trên da; tái khám theo hẹn của bác sỹ nhất là 4 tuần đầu nhằm phát hiện sớm các biến chứng viêm thận.

Về điều trị viêm mao mạch dị ứng tại bệnh viện, theo chuyên gia, các bác sĩ cần theo dõi toàn trạng, mạch, huyết áp, nhịp thở; theo dõi phân và nước tiểu, số lượng, màu sắc; theo dõi ban trên da và đau các khớp.

Điều trị triệu chứng: Kháng sinh nếu có căn nguyên nhiễm trùng; kháng viêm và kháng dị ứng.

Điều trị nguyên nhân: Tùy nguyên nhân và theo phác đồ chung.

Điều trị biến chứng: Phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ. Lưu ý các biến chứng viêm thận và xuất huyết tiêu hóa cần phát hiện sớm. Biến chứng viêm thận hay xuất hiện trong 4 tuần đầu và phải dựa vào xét nghiệm để xác định chẩn đoán, đôi khi cần phải sinh thiết thận để chẩn đoán sớm mức độ tổn thương giúp điều trị kịp thời tránh hậu quả suy thận mạn.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân thận trọng khi dùng thuốc, không tự ý dùng thuốc, phải có đơn thuốc của bác sĩ nhất là khi dùng kháng sinh. Tránh tối đa trẻ bị côn trùng đốt, tránh bị nhiễm lạnh. Tránh thức ăn, tiếp xúc các yếu tố xác định trong tiền sử dị ứng. Vệ sinh nhà cửa, quần áo, đồ chơi, đồ sinh hoạt của trẻ thường xuyên. Vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc, làm đồ ăn cho trẻ.

Cha mẹ nên trang bị kiến thức về cách nhận biết sớm bệnh viêm mao mạch dị ứng để có hướng chăm sóc và xử trí kịp thời. Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ viêm mao mạch dị ứng, bố mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám.