Gây thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng
Theo cáo trạng, GPBank tiền thân là Ngân hàng CP Nông thôn Ninh Bình và được phép chuyển đổi tên gọi cũng như mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại vào năm 1993. Sau 12 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, năm 2014, GPBank có vốn điều lệ là 3.018 tỷ đồng. Trong số 903 cổ đông thì GPBank có 11 pháp nhân và 3 trong số đó có vốn Nhà nước. Riêng bị cáo Long cùng nhóm cổ đông liên quan sở hữu 34,99% vốn điều lệ (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng) và Đoàn Văn An (SN 1958) - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT cùng nhóm cổ đông liên quan nắm giữ 55,32% vốn điều lệ (tương ứng hơn 1.669 tỷ đồng).
Vào năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ tại GPBank và sử dụng vào những việc khác, hai bị cáo Long và An đã sử dụng 3 công ty gia đình để phát hành 3.380 trái phiếu rồi bán cho Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) và thu về 3.380 tỷ đồng. Trong số tiền thu được, Long và An sử dụng hơn 2.611 tỷ đồng để nhóm cổ đông của mình mua cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ ở ngân hàng này. Ngoài ra, Long và các đồng phạm còn sử dụng 512,6 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Số tiền còn lại hơn 255,7 tỷ đồng, Long và An đem đầu tư, kinh doanh.
Tiếp đó, do không có tiền để trả gốc và lãi cho EVNFinance nên bị cáo Long cùng An đã bàn cách rút tiền từ GPBank để có tiền thanh toán với chủ nợ. Thực hiện việc này, Long và đồng phạm đã sử dụng 2 trong 3 DN liên quan thỏa thuận đặt cọc mua 58% Tòa nhà Capital Tower (ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) và Hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Trung tâm Thương mại, văn phòng và Nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank để rút 3.900 tỷ đồng của chính GPBank.
Rút được số tiền nêu trên, Long và An chỉ đạo thuộc cấp sử dụng hơn 3.793 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi đối với EVNFinance. Đối với số tiền còn lại, bị cáo An và một DN liên quan sử dụng vào mục đích riêng. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho GPBank 3.900 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi phát sinh (tính đến tháng 7/2015).
Xin giảm nhẹ tội cho các đồng phạm
Quá trình xét xử, đại diện VKS cho rằng, có đủ căn cứ xác định bị cáo Long và An sở hữu 90% cổ phần tại GPBank (vốn điều lệ năm 2014 là 3.018 tỷ đồng). Ngoài ra, Long cùng người nhà lập Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Thành Trung (cổ đông góp 58% cổ phần tại Công ty Thủ Đô - đơn vị sở hữu tòa nhà Capital Tower). Đối với bị cáo An và em vợ sở hữu 75% cổ phần tại Công ty Sao Bắc....
Từ năm 2009 - 2010, hai bị cáo này đã dùng các danh nghĩa các công ty trên để phát hành trái phiếu rồi bán cho EVNFinance được 3.380 tỷ đồng. Số tiền này, các bị cáo dùng 2.611 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ GPBank và 255 tỷ đồng cho hoạt động của các công ty riêng. Sau đó, Long và An đã thống nhất rút tiền của GPBank để trả nợ cho EVNFinance.
Tiếp đó, Tạ Bá Long ký với Nguyễn Ngọc Nam - nguyên Giám đốc Công ty Sao Bắc hợp đồng xây dựng kinh doanh Dự án “Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank”. Theo hợp đồng, GPBank chuyển 1.700 tỷ đồng cho Sao Bắc. Tuy nhiên, đến nay TP Hà Nội chưa thụ lý bất kỳ văn bản nào liên quan dự án này. Tổng cộng 2 hợp đồng trên, GPBank đã thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng cả gốc và lãi.
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên tất cả các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An giữ vai trò chính và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo còn lại được xác định là cấp dưới nên đã phải thực hiện theo chỉ đạo của hai bị cáo đầu vụ và không được hưởng lợi. Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt 13 - 14 năm tù cho bị cáo An và 7 - 8 năm tù với bị cáo Long…
Sau khi nghe những nhận định và đề nghị mức án từ đại diện VKS, bị cáo Long cho rằng, cáo trạng truy tố của VKS đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội. Vì vậy, nguyên Chủ tịch GPBank đã nói lời cảm ơn đến các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện để Công ty Thành Trung (công ty gia đình của Tạ Bá Long) hoàn trả gần 900 tỷ đồng cho GPBank. Đồng thời, bị cáo Long gửi lời xin lỗi tới toàn bộ thuộc cấp vì những gì mình đã gây ra.
“Tôi xin gửi lời xin lỗi tới các cán bộ của GPBank. Vì sự việc này mà mọi người phải vướng vào vòng lao lý ngày hôm nay. Họ là những cán bộ tâm huyết với GPBank nhưng đã tin tưởng vào HĐQT mà phạm phải sai lầm. Tôi rất xin lỗi các anh, các chị. Các anh ở trong trại giam, gia đình các anh chị ở ngoài không những khổ vì vật chất mà còn khổ vì tinh thần, tôi xin lỗi gia đình các anh chị vì việc này” - bị cáo Long nói.
Bên cạnh đó, bị cáo Long bày tỏ sự cảm kích khi nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) đã đề nghị HĐXX giảm nhẹ tội danh cho mình. “GPBank là nguyên đơn dân sự và là bị hại nhưng họ đã xin giảm nhẹ tội cho tôi thực sự rất đáng quý, đáng trân trọng. Với tôi, GPBank như con đẻ của mình, tôi coi trọng công việc tại đó như đối với gia đình tôi. Tôi không bao giờ muốn GPBank bị như ngày hôm nay. Dù thế nào đi nữa tôi vẫn luôn mong muốn ngân hàng nhanh chóng vượt qua khó khăn. Có thể đến lúc nào đó, tôi hoặc con cái tôi nếu có điều kiện cũng sẵn sàng mua cổ phần GPBank. Bởi, đây không phải là vấn đề làm kinh tế mà là sự trân trọng lao động quá khứ của mình” - bị cáo Long cho hay.
Cuối cùng, nguyên Chủ tịch GPBank tỏ ra thấu hiểu với từng hoàn cảnh của các bị cáo khác khi có thể kể vanh vách hoàn cảnh của từng bị cáo là thuộc cấp của mình. Từ đó, bị cáo Tạ Bá Long tha thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với các cán bộ của GPBank.
Trả giá
Theo HĐXX, bị cáo Long và An giữ vai trò chính, chỉ đạo những bị cáo khác làm theo. Sau đó, hai bị cáo này dùng số tiền gây thiệt hại của GPBank sử dụng cho các công ty sân sau. Trong khi đó, bị cáo An sử dụng phần lớn số tiền mà GPBank bị thiệt hại nên cần bị xử lý nghiêm khắc. Các bị cáo khác đóng vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, các bị cáo chỉ là người làm công; trong quá trình điều tra, xét xử, các bị cáo thành khẩn khai báo, nhân thân tốt nên HĐXX xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo đồng phạm.
Từ nhận định trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nghiêm Tiến Sỹ (SN 1973) - nguyên Phó Tổng Giám đốc GPBank 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với các bị cáo còn lại phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX quyết định tuyên phạt Tạ Bá Long 5 năm tù, Đoàn Văn An 13 năm tù; Nguyễn Ngọc Nam và Phạm Quyết Thắng (SN 1973) - nguyên Tổng Giám đốc GPBank cùng 5 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Anh Dung (SN 1978) - nguyên Kế toán trưởng của GPBank 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.