Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ “bán rẻ” đất vàng ở Bình Dương:

Nguyễn Đại Dương khẳng định không nhờ ai góp vốn vào Công ty Âu Lạc

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời câu hỏi của luật sư liên quan việc góp vốn chuyển nhượng khu đất 43ha ở Bình Dương, bị cáo Nguyễn Đại Dương khẳng định không hề nhờ ai đứng tên góp vốn vào Công ty Âu Lạc vì ở đó không sinh lời và bị cáo chỉ đầu tư bất động sản ở Hà Nội…

Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Quốc Hùng - cựu Tổng Giám đốc Công ty Âu Lạc giải thích lý do rút khỏi dự án là do thời điểm đó đại gia Huỳnh Trung Nam đang xây khách sạn ở Vũng Tàu, ông Quân bị khởi tố và bản thân bị cáo không muốn theo đuổi dự án. Việc dừng dự án không có tác động của bị cáo Nguyễn Đại Dương.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương tại phiên toà.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương tại phiên toà.

Cũng tại phiên toà, trả lời các câu hỏi của luật sư, nhân chứng Dương Đình Tâm nhiều lần khẳng định mình được một người tên Quân mua vé cho vào TP Hồ Chí Minh gặp Nguyễn Đại Dương - con rể cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương Nguyễn Văn Minh để ký tên vào hồ sơ đứng tên hộ Dương 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc.

“Năm 2017, tôi rất sợ liên lụy đến bản thân nên đã nhờ bị cáo Nguyễn Đại Dương viết và ký giấy xác nhận việc đứng tên cổ phần thay bị cáo Dương. Sở dĩ tôi đồng ý nhận lời giúp Quân vào TP Hồ Chí Minh gặp Dương để ký giấy tờ đứng tên hộ cổ phần vì Quân là bạn thời ấu thơ” - ông Tâm trình bày.

Về phần mình, bị cáo Nguyễn Đại Dương khẳng định không hề nhờ ai đứng tên góp vốn vào Công ty Âu Lạc vì ở đó không sinh lời và bị cáo chỉ đầu tư bất động sản ở Hà Nội.

Theo bị cáo Dương, việc giới thiệu Hùng gặp Nguyễn Văn Minh là do được bố vợ nhờ tìm đối tác hợp tác tham gia thành lập liên doanh. Người có tên Quân tham gia đầu tư vào Công ty Âu Lạc cùng Nguyễn Quốc Hùng và Huỳnh Trung Nam là do được một nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương giới thiệu tham gia dự án. Do Quân ở Hà Nội, rất bận nên đã để ông Tâm vào TP Hồ Chí Minh ký các giấy tờ góp vốn hộ.

Trước giả thuyết của luật sư đưa ra rằng không có ông Quân nào mà chỉ có việc ông Tâm đứng tên cổ phần hộ, bị cáo Dương cho rằng, lời khai phải khớp với chứng cứ thực tế. Việc góp vốn là không chối được vì người góp vốn phải nộp tiền và nộp qua tài khoản. Người đàn ông tên Quân đã từng lừa bị cáo.

Các luật sư tham gia xét hỏi tại phiên toà.
Các luật sư tham gia xét hỏi tại phiên toà.

“Ông Quân lừa tôi tham gia vào dự án ở Phú Quốc. Quân đưa hồ sơ cho tôi xem và nói phải đóng tiền sử dụng đất và một số chi phí khác. Lúc đó, tôi đưa cho ông Quân 60 tỷ thành nhiều lần, đưa 4 xe ô tô và 12 giấy tờ nhà để ông ý đi biếu xén và tôi đã mất số tiền đó. Việc này xảy ra năm 2013 hay 2014 gì đó và tôi đã trình báo với Cơ quan điều tra” - bị cáo Dương khai.

Theo cáo trạng, ngay từ đầu, bị cáo Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đại Dương đã có cùng động cơ, mục đích chuyển nhượng quyền sở hữu của Nhà nước 43ha đất và 30% vốn góp sang công ty tư nhân, trong đó có phần vốn góp của Nguyễn Đại Dương. Để thực hiện được mục đích này, bị cáo Dương là người đứng sau dàn xếp và giao cho bạn là bị cáo Nguyễn Quốc Hùng thực hiện.

Khi tham gia thành lập liên doanh Công ty Tân Phú, mặc dù Công ty Âu Lạc không đủ điều kiện về vốn trong liên doanh để thực hiện dự án nhưng Nguyễn Quốc Hùng vẫn cố ý lập hồ sơ xin thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, nâng khống vốn điều lệ để hợp thức hóa năng lực tài chính trong liên doanh.

Ngay sau khi thành lập Công ty Âu Lạc, Nguyễn Đại Dương đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Quốc Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, thành lập liên doanh Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43ha chỉ với giá 570.000 đồng/m2.

Dù bị cáo Nguyễn Đại Dương không đứng tên góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc nhưng kết quả điều tra và lời khai của các cổ đông gồm: Nguyễn Quốc Hùng, Huỳnh Trung Nam, Dương Đình Tâm và giấy xác nhận ngày 15/11/2017 do Nguyễn Đại Dương viết và ký cùng Dương Đình Tâm thể hiện việc ông Nguyễn Đại Dương nhờ Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và là người trực tiếp điều hành công ty này.