70 năm giải phóng Thủ đô

Nguyên nhân tỷ lệ tiểu đường tăng mạnh ở châu Á và châu Phi

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ước tính số người mắc bệnh tiểu đường ở châu Á và châu Phi sẽ lên đến 560 triệu người vào năm 2045.

Nguyên nhân có thể là do người dân ít hoạt động thể chất hơn do những hạn chế liên quan đến Covid-19 hay việc thay đổi thói quen ăn uống do điều kiện sống ngày càng nâng cao.

Ở Pakistan, số ca bệnh tiểu đường vào năm 2021 cao gấp 5,2 lần so với một thập kỷ trước đó. Trong đó, 30% ca mắc rơi vào độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi. 

Dự kiến số ca mắc bệnh tiểu đường ở Châu Á và Châu Phi lên tới 560 triệu người vào năm 2045. Nguồn: Nikkei Asia
Dự kiến số ca mắc bệnh tiểu đường ở Châu Á và Châu Phi lên tới 560 triệu người vào năm 2045. Nguồn: Nikkei Asia

Ông Matiullah Khan, nhà nội tiết học tại Bệnh viện Quốc tế Shifa ở Islamabad cho biết: "Trước đây ở Pakistan, đối tượng chủ yếu mắc bệnh này là người từ 40 tuổi trở lên, nhưng dần dần những người ở độ tuổi 30 và 20 cũng mắc phải và bây giờ chúng ta còn thấy được căn bệnh tiểu đường loại 2 xuất hiện ở thanh thiếu niên”.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim, đột qụy hay mù lòa.

"Nhìn chung, Người dân Pakistan chưa nhận thức đầy đủ về bệnh tiểu đường. Họ có chiều hướng xem nhẹ bệnh này so với bệnh tim. Chính phủ cũng không quan tâm căn bệnh này lắm" - nhân viên tại một Trung tâm Bệnh tiểu đường ở Islamabad cho biết.

Bệnh tiểu đường xảy ra khi tuyến tụy không tiết đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng tốt loại hormone này. Bệnh này có 2 loại: Tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi các tế bào sản xuất insulin không hoạt động, và tuýp 2 khi cơ thể không thể giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường do béo phì hoặc thiếu hoạt động thể chất. Trong đó, tuýp 2 là phổ biến, chiếm tới 90% số người mắc trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiểu đường có nguy cơ gây tử vong thứ chín trên toàn cầu. Lượng đường trong máu cao sẽ gây tổn hại các mạch máu, gia tăng nguy cơ biến chứng như bệnh tim thiếu máu cục bộ - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Điều trị căn bệnh này rất tốn kém vì phải dùng thuốc thường xuyên và một số bệnh nhân cảm thấy khó thay đổi lối sống phù hợp.

Tiểu đường thường thấy ở các nước đang phát triển. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), số bệnh nhân tiểu đường ở châu Á và châu Phi được có thể lên đến 560 triệu người vào năm 2045 - tăng 50% so với năm 2021. Ở Nam Á, số người mắc bệnh được dự đoán sẽ tăng 70% lên 220 triệu người. Trong khi châu Phi và vùng cận Sahara số người mắc dự kiến sẽ tăng gấp 2,3 lần lên 55 triệu người. Ngược lại, châu Âu và Bắc Mỹ sẽ chỉ tăng nhẹ từ 1,1 đến 1,2 lần.

Sở dĩ số ca mắc tiểu đường tuýp 2 ngày càng tăng ở các nước đang phát triển là do điều kiện kinh tế cũng như chế độ ăn uống của người dân ngày càng được cải thiện hơn. Chỉ trong vòng 20 năm (tính đến năm 2018), lượng calo mỗi người nạp vào trong một ngày ở Việt Nam và Ethiopia đã tăng lần lượt 43% và 39% so với mức trung bình 8% của toàn cầu. Theo đó, số ca mắc tiểu đường ở Việt Nam tăng vọt, chỉ trong vòng 1 thập kỷ (tính đến năm 2021), số người mắc bệnh này tăng 130% còn ở Ethiopia là 40%.

Mặc dù thực phẩm truyền thống ở Châu Á và Châu Phi có ít calo và chất béo, nhưng quá trình toàn cầu hóa đã khiến lượng lớn đồ ăn chứa hàm lượng cao hai chất này từ châu Âu tràn vào. Số lượng nhà hàng thức ăn nhanh tăng lên ở thành thị đồng nghĩa với căn bệnh béo phì và tiểu đường tăng cao. Nghiên cứu cho thấy một nửa số người trưởng thành ở Pakistan hiện được coi là béo phì.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng khiến mọi thứ trở nên xấu đi khi người dân không được tự do vận động hàng ngày. Theo ông Geoffrey H. Tison, bác sĩ tim mạch tại Đại học California, từ tháng 5 đến tháng 11/2021, số bước trung bình toàn cầu mà một người đi bộ hàng ngày là 4.997 - giảm 10% so với mức trước đại dịch, nhưng ở châu Á, con số này giảm tới 30%.

Bác sĩ Tison cảnh báo nếu mọi người không tham gia các hoạt động thể chất nhiều hơn thì số ca mắc sẽ tiếp tục tăng lên.

Cùng với tập thể dục, kiểm soát chế độ ăn uống là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh tiểu đường cũng như duy trì sức khỏe sau khi mắc bệnh này. Một số nước đang phát triển đã áp dụng các biện pháp để hạn chế sử dụng đồ uống có đường. Từ tháng 4/2023, Thái Lan có kế hoạch tăng thuế đối với đường từ 1,6 đến 3,3 lần dựa vào lượng đường có trong đồ uống. Nam Phi cũng đang cân nhắc tăng thuế đường.

Tuy nhiên, hơn cả là giúp mọi người nhận thức được chế độ ăn uống hàng ngày quan trọng như thế nào. Bác sĩ Ruchirek Thamcharoen tại Bệnh viện Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết: “Chính phủ nên thực hiện chiến dịch tuyên truyền cho người dân biết về tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với sức khỏe của họ”.