Tàn nhang là những đốm nhỏ trên da có màu nâu (đậm hoặc nhạt), vàng, đen, nằm riêng lẻ hoặc liên kết với nhau theo từng đám.
Chúng thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như vai, cổ, cánh tay, mặt… đặc biệt là gò má và mũi.
Mật độ và màu sắc của tàn nhang cũng có sự thay đổi theo mùa, chúng thường sẽ xuất hiện nhiều và đậm màu hơn vào mùa hè so với mùa đông.
Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, các nguyên nhân gây ra tàn nhang, bao gồm:
Nguyên nhân do di truyền: Tàn nhang có yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ bị tàn nhang thì con cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện tàn nhang.
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời: Melanin sẽ được sản xuất để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng tuy nhiên nếu vượt ngưỡng cần thiết (khi bạn phơi nắng quá nhiều) thì chúng sẽ gây ra tàn nhang.
Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi hormone có thể kích thích melanin sản xuất nhiều hơn và đây là loại tế bào hắc tố gây ra tàn nhang.
Lão hóa: Lão hóa là quá trình tự nhiên của cơ thể. Khi có tuổi, làn da sẽ dễ bị các tác nhân gây hại tấn công dẫn đến việc hình thành tàn nhang.
Chăm sóc da không đúng cách: Thói quen chăm sóc da và sử dụng mỹ phẩm cũng có thể là một trong những nhân tố tác động và có thể gây nên tàn nhang.
Từ những nguyên nhân gây ra tàn nhang, các phương pháp phòng ngừa phù hợp gồm có: Luôn thoa kem chống nắng và bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời; có chế độ ăn uống cân đối, khoa học và bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, selen, beta-carotene… hay có khả năng cải thiện tình trạng tàn nhang.
Chăm sóc da, sử dụng mỹ phẩm đúng cách, không lạm dụng đồng thời nên dùng các sản phẩm phòng ngừa sự hình thành của tàn nhang; nếu bạn đang gặp vấn đề với sự thay đổi nội tiết thì có thể cân nhắc sử dụng các loại thực phẩm chức năng với sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa như vitamin C, glutathione…