Làm nên “một sự kiện lớn lao trong lịch sử Sorbonne”
GS Nguyễn Văn Huyên có quê ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, sinh tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội) trong một gia đình có bố là công chức, mẹ làm nghề thủ công và buôn bán. Hồi nhỏ, ông học chữ Hán, sau học chữ Quốc ngữ. Năm 1926, ông du học Pháp.
Tháng 7/1927, ông đỗ tú tài phần I; tháng 7/1928, đỗ tú tài phần II. Một năm sau, 7/1919, ông đỗ cử nhân văn chương (bộ môn Sử - Địa); tháng 7/1931 đỗ cử nhân luật.
Ngày 17/2/1934, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne, Paris. Luận án chính là “Hát đối của nam nữ thanh niên Việt Nam”, luận án phụ là “Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á”. Chủ tịch hội đồng chấm luận án là GS Vendryès, coi đó là “một sự kiện lớn lao trong lịch sử Sorbonne”.
Ngay trong năm 1934, nhà xuất bản Paul Geuthner (Paris) đã xuất bản thành sách cả hai luận án này và tạo được tiếng vang lớn trong giới khoa học và báo chí châu Âu.
Ngày 22/3/1934, Paul Valéry, nhà thơ, triết gia nổi tiếng thế giới, đã gửi cho Nguyễn Văn Huyên một bức thư sau khi nhận được công trình "Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam" mà ông Huyên gửi tặng. Trong thư có câu: “Nhờ những gì mà ông viết về các nhà thơ Việt Nam, tôi lấy làm vui lòng được đọc những điều mà tôi tin là đúng đối với mọi thơ ca"…
Còn H.Jensen trên tờ Orientalische Litterature Zeitung (tạp chí Văn học phương Đông) đã nhận định: “Quyển sách này mà tác giả của nó là người
Việt Nam đã từng làm giảng viên trường ngôn ngữ phương Đông ở Paris, là một đóng góp rất có giá trị để hiểu biết về Việt Nam. Ý nghĩa của nó là ở trên hai lĩnh vực: một là nó cung cấp cho các nhà dân tộc học và folklore học một chất liệu phong phú, có chú ý đến cả các chi tiết, để hiểu biết đời sống yêu đương, trước hết là tập quán tỏ tình và đính hôn của người Việt Nam. Mặt khác, nó cũng chứa đựng nhiều điều đáng biết đối với nhà ngôn ngữ học”.
Cũng về cuốn sách này, trên Journal de Psychologie Normale et Pathologique (Tạp chí Tâm lý học bình thường và bệnh lý), số 9/10, 1934, đã viết: “… Bản chuyên khảo quý báu của ông Nguyễn Văn Huyên dẫn dắt chúng ta đến giải pháp của những vấn đề quan trọng nhất: như thế nào người ta đã chuyển từ một loạt tiếng kêu sang bài hát cấu âm, như thế nào nhịp điệu đưa vào sự sôi động gây nên bởi tiếng ồn, đám đông và sự chung đụng nam nữ, và cuối cùng, như thế nào nhịp điệu sản sinh ra ngôn từ đẹp, đã tạo khả năng cho tiến bộ của tư duy bằng cách làm dễ dàng sự sơ đồ hóa”.
J.Sion, trên tờ Annales d'Histore E'conomi et Sociale (Niên giám lịch sử kinh tế và xã hội) viết về cuốn “Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á”: “… một cuốn sách nghiêm túc viết về một loại hình cư trú chiếm ưu thế ở vùng Đông Nam Á. Ông áp dụng phương pháp của địa lý học và xã hội học nghiên cứu lý do giải thích sự phân bố, những sự kiện văn hóa gắn liền với kiểu cư trú này… Nhờ ông mà chúng ta thoáng thấy mười vấn đề trong các quan hệ văn minh châu Á. Để giúp cho việc giải đáp, ông đã cho một danh mục hữu ích mà ở đó người ta tìm ra những hình thức khác nhau, địa điểm của loại hình cư trú này, và ông đã cho một phác thảo đầu tiên”.
GS Hà Văn Tấn nhận định: “Nguyễn Văn Huyên đã nổi tiếng ngay với các công trình đầu tiên, trong đó tập “Hát đối đáp của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” đã giới thiệu cho thế giới một khía cạnh của tâm hồn và văn hóa Việt Nam”.
Và cũng có thể nói rằng, ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp khoa học, Nguyễn Văn Huyên đã xác định đối tượng nghiên cứu của mình là văn hóa, văn minh Việt Nam.
Đặt nền móng cho nghiên cứu văn hóa Việt Nam
Năm 1935, Nguyễn Văn Huyên về nước và lựa chọn dạy học ở Trường Bưởi và sau đó vào làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), tiếp tục con đường khoa học của mình.
Về sự kiện này, George Cœdès - Giám đốc EFEO (1929 - 1947) đã viết: “Việc ông Nguyễn Văn Huyên gia nhập EFEO năm 1935 đã là một cơ hội để viện triển khai những nghiên cứu về những tín ngưỡng và những thiết chế của đất nước Việt Nam.
Cùng với sự đào tạo đại học vững chắc mà ông đã nhận được ở Pháp, tại khoa văn và khoa luật của Đại học Paris, ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà các nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện được.
Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê Việt Nam”.
Nhìn lại các công trình của ông, cho thấy, ông đã tập trung nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là tôn giáo, tín ngưỡng và thiết chế xã hội truyền thống của Việt Nam bằng cách tiếp cận dân tộc học, sử học, xã hội học, ngôn ngữ học, folklore học... Chỉ hơn 10 năm (1934 -1945), ông đã công bố 46 công trình, hầu hết bằng tiếng Pháp.
Về tín ngưỡng, ông có “Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng
Việt Nam: Lý Phục Man” - một công trình mà GS Hà Văn Tấn cho rằng: “Khó mà có được một công trình đầy đủ và tinh tế hơn”. Ông còn có “Lễ hội Phù Đổng”, “Hát và múa Ải Lao ở hội Phù Đổng”… Đặc biệt có công trình “Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam” ngoài các nghiên cứu về nữ thần mưa Pháp Vũ, về tiên ông Phạm Viên, về Nội Đạo Tràng…
Như đã nói, Nguyễn Văn Huyên rất quan tâm đến thiết chế xã hội Việt Nam, nhất là làng xã cổ truyền. Có thể kể đến các công trình “Nghiên cứu làng Việt Nam”, “Nghiên cứu phong tục Việt Nam”, “Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc kỳ”… Tất cả các công trình của Nguyễn Văn Huyên, về tín ngưỡng hay thiết chế xã hội có một đích đến là khám phá văn hóa, văn minh Việt Nam.
Và công trình “Văn minh Việt Nam” với nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo và sâu sắc của ông cùng với công trình “Việt Nam văn hóa sử cương” của học giả Đào Duy Anh là hai công trình đã đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Đóng góp rất lớn nữa của Nguyễn Văn Huyên là đã đem lại cho học giới
Việt Nam phương pháp luận khoa học hiện đại, mới mẻ.
Trong Tóm tắt luận án "Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á", ông xác nhận: “Không định đưa nó một cách thuần túy và đơn giản vào lĩnh vực dân tộc học. Đối với tôi thì dường như cứ liệu mà ngôn ngữ học đưa ra trước đây là đã đủ mạnh để tôi chú ý đến luận án và đặt vấn đề Đông Nam Á dưới giác độ xã hội học và địa lý học”. Còn trong “Hát đối của nam nữ thanh niên Việt Nam” là: “… chỉ đơn giản có niềm tin rằng đã đặt đúng một số vấn đề về ngôn ngữ học và xã hội học Việt Nam”.
Theo GS Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Huyên là một nhà dân tộc kiêm nhà xã hội học. GS Trần Quốc Vượng có nhận xét : “… ông đi từ sự miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, chính xác từng sự kiện văn hóa - nhân văn đến những khái quát khoa học về thể loại dân ca, về cội nguồn dân tộc, về văn minh Việt Nam”.
Không chỉ là nhà khoa học, Nguyễn Văn Huyên còn là chính khách, nhà giáo dục nổi tiếng. Ông là thành viên của Đảng xã hội, của Hội truyền bá Quốc ngữ. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Học viện Bác cổ và là Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ 11/1915 đến 1975. Ở cương vị này, ông đã có những đóng góp lớn lao đổi mới và phát triển nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh đất nước chiến tranh. Thành công của ông là bởi tình yêu sâu sắc dành cho nền văn hóa dân tộc và kiên trì khám phá nó bằng phương pháp nghiên cứu khoa học tiến bộ, hiện đại. “Giới nghiên cứu trẻ /già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể ” - Trần Quốc Vượng.