Nguyễn Xuân Sơn tự bào chữa, mong tòa xem xét thấu đáo

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/4, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm. Trong phần tranh luận, tự bào chữa trước tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục theo quan điểm trước đó, chỉ thừa nhận tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lời trước tòa.
Bị cáo Sơn cho rằng, việc chi lãi ngoài trong thời gian làm tổng giám đốc OceanBank có 69 tỷ đồng nhưng bị kết án 2 tội “Cố ý làm trái” và “Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản” là không thỏa đáng. Theo bị cáo Sơn, thực tế số tiền này đã được chi hết, bị cáo không chiếm đoạt. Trong giai đoạn năm 2011 - 2014, Sơn có nhận từ Hà Văn Thắm hơn 200 tỷ đồng và nay mong tòa xem xét thấu đáo đầu ra của dòng tiền này bởi bị cáo đã thực hiện việc chăm sóc khách hàng đúng theo yêu cầu của Chủ tịch ngân hàng Hà Văn Thắm. Về tội “Tham ô”, bị cáo Sơn nói “sốc” khi bị buộc tội và mong muốn tòa xem xét…

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nêu quan điểm: Nguyễn Xuân Sơn không phải là chủ thể của tội “Tham ô” bởi Sơn không phải là đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank theo quy định của pháp luật. Công văn 3166 chỉ là bước khởi đầu,kết quả này phải được sự chuẩn y của ngân hàng Nhà Nước.
Ngoài ra, PVN phải chính thức ra nhiệm vụ. Khi chấm dứt thời hạn của người đại diện phần vốn, PVN phải có quyết định và ra thông báo cho OceanBank bãi nhiệm chức vụ, bàn giao công việc cho người đón nhận. Người đại diện phần vốn phải được PVN chi trả tiền lương. Ngoài công văn 3166, PVN không có bất kỳ văn bản nào giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn với tư cách người đại diện phần vốn góp của PVN. Vì vậy, theo luật sư Tâm, bản án sơ thẩm dùng công văn 3166 làm chứng cứ là chưa đúng. Từ những phân tích đó, luật sư Tâm đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Xuân Sơn không phạm tội “Tham ô tài sản”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần