Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà cố vấn lớn của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên năm 1992, ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần trở lại t...

Kinhtedothi - Kể từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên năm 1992, ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần trở lại trong các năm 1993, 1995, 1997, 2007... Với những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, kiến tạo Singapore trở thành đảo quốc phú cường, phồn vinh nhất châu Á, ông đã có những đóng góp vô cùng thiết thực xuyên suốt các lĩnh vực quan trọng.

Niềm tin vào “làn gió đổi mới”

Ngay cả trong giai đoạn quan hệ hai nước đang đóng băng, ông Lý Quang Diệu đã nhận ra những tố chất đáng khâm phục của người Việt Nam thông qua “những kỹ năng họ đã thể hiện trong việc sử dụng vũ khí của Liên Xô trong chiến tranh, khả năng tùy cơ ứng biến để khắc phục khó khăn vật chất”… Sau chuyến thăm “phá băng” tới Việt Nam năm 1992, ông đã bày tỏ, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam là một dân tộc tràn đầy sức sống, người Việt Nam tư chất thông minh và nghiêm túc nên ông tin tưởng Việt Nam sẽ chấn hưng trong 20 - 30 năm nữa.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ra đời theo sáng kiến  của ông Lý Quang Diệu trở thành mô hình hợp tác kinh doanh hiệu quả.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ra đời theo sáng kiến của ông Lý Quang Diệu trở thành mô hình hợp tác kinh doanh hiệu quả.
Với sự giúp đỡ của những người bạn lớn như ông Lý Quang Diệu, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam đã chứng minh niềm tin của ông dành cho Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Sau này, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế toàn cầu và khu vực, ông Lý Quang Diệu vẫn luôn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007, ông nhận định, với làn gió đổi mới, thay đổi đang thổi, Việt Nam sẽ bắt kịp tốc độ của các nước trong khu vực. Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand.

Bài học về thu hút đầu tư

Đề cập đến vấn đề thu hút đầu tư, ông Lý Quang Diệu cho rằng, phải coi nhà đầu tư như những người bạn đáng trân trọng, phải có người dẫn họ ra khỏi mê cung của hệ thống quan liêu, để tránh giẫm phải “mìn hoặc bẫy”. Dẫn ra thông tin một Tổng Giám đốc của công ty lớn người Đức cho biết được Chính phủ Việt Nam cấp cho người hướng dẫn, ông Lý đã thể hiện sự hài lòng trước việc ý kiến đóng góp của mình được cơ quan chức năng Việt Nam tiếp thu và thực hiện.

Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ra đời theo sáng kiến của ông Lý Quang Diệu đã trở thành mô hình hợp tác kinh doanh vô cùng thành công và hiệu quả. Hiện, các khu công nghiệp này đang cung ứng hạ tầng sản xuất cho hơn 500 khách hàng đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư lên tới 6,5 tỷ USD, cung cấp việc làm cho hơn 140.000 lao động địa phương.

Hỗ trợ đào tạo nhân tài

Là người nhận ra những tố chất đáng khâm phục của người Việt Nam, ông Lý Quang Diệu cũng nhiều lần đưa ra những ý kiến, đóng góp thiết thực nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam. Xuất phát từ quan điểm “luôn giáo dục để thừa chứ không phải để thiếu”, ông khẳng định, nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, Việt Nam sẽ thắng trong phát triển kinh tế. Từ kinh nghiệm của Singapore, ông cho rằng, các trường đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu.

Điều đáng nói là, không dừng lại ở những đề xuất chung chung, với khả năng thiên bẩm của một nhà cải cách và phẩm chất của một chuyên gia cố vấn, ông Lý Quang Diệu đã phát hiện ra những đặc trưng vùng miền rất riêng của người Việt Nam khi cho rằng: “Chính phủ Việt Nam hãy gửi sinh viên miền Bắc... vào miền Nam để họ học cách kiếm tiền, cách kinh doanh. Đây là cách tốt để bắt đầu một tham vọng. Ngược lại, tìm những tinh hoa ở TP Hồ Chí Minh “cấy” vào những trường đại học ở miền Bắc, ở Hà Nội”.

Kể từ sau chuyến thăm đầu tiên năm 1992 của ông Lý Quang Diệu, nhằm hỗ trợ cho chiến lược đào tạo nhân tài cho Việt Nam, hơn 14.000 cán bộ, quan chức của Việt Nam đã được đào tạo, bồi dưỡng tại Singapore. Qua theo dõi quá trình học tập của sinh viên Việt Nam, ông Lý Quang Diệu cho biết, trong số những sinh viên Đông Nam Á được Singapore cấp học bổng, sinh viên Việt Nam luôn nghiêm túc nhất, thông minh nhất và thành công nhất.

Mất mát lớn của Cộng đồng ASEAN

Ngay sau khi nhận được tin ông Lý Quang Diệu từ trần, ngày 23/3, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn tới ngài Lý Hiển Long - Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn tới Ngài Tony Tan - Tổng thống Singapore; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới ngài Lý Hiển Long - Thủ tướng Singapore.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội chia buồn với Chính phủ và nhân dân Singapore. Trong sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Sự ra đi của ngài Lý Quang Diệu là một mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà còn đối với Cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam. Tôi mong Chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này”.