Nhà đầu tư bất an vì lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, chứng khoán châu Á giảm về mức thấp nhất 1 tháng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tâm lý lo ngại gia tăng vì đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ khiến cổ phiếu châu Á giảm về mức thấp nhất 1 tháng trong phiên giao dịch ngày 5/3.

Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu, chạm mức đáy trong 1 tháng khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng cao.
Cụ thể, chỉ số chứng khoán của Australia giảm hơn 1%. Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng mất 1,6%, còn chỉ số tại sàn chứng khoán Seoul hạ 1,4%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng nhuộm sắc đỏ, trong đó chỉ số bluechip CSI300 lao dốc 1,5%.
 Chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên 5/3.
Chịu tác động từ đà suy yếu của chứng khoán Mỹ, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản giảm mạnh xuống 684,52 điểm, chứng kiến mức thấp nhất kể từ ngày 1/2.
Chỉ số chứng khoán tương lai của S&P 500 tại thị trường châu Á cũng sụt hơn 0,5%.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh khi kết thúc phiên ngày 4/3, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell không thể trấn an nhà đầu tư rằng ngân hàng T.Ư này sẽ tiếp tục kiểm soát đà tăng lợi suất trái phiếu và kỳ vọng lạm phát.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 hạ 1,3% xuống 3.768,47 điểm, sau khi có thời điểm trong phiên giao dịch lao dốc tới 2,5%. Dow Jones sụt 345,95 điểm (tương đương 1,1%) xuống 30.924,14 điểm. Trong phiên giao dịch, có thời điểm chỉ số này đã “bốc hơi” hơn 700 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,1%, về 12.723,47 điểm khi nhóm cổ phiếu tăng trưởng dẫn đầu đà sụt giảm trong bối cảnh lãi suất tăng.
Với đà bán tháo mạnh trong phiên ngày thứ Năm, Nasdaq Composite đã chuyển sang sắc đỏ trong năm với mức lỗ 1,3%. Chỉ số này cũng rơi vào vùng điều chỉnh trong phiên khi lao dốc hơn 10% từ mức đỉnh trong 52 tuần thiết lập hôm 12/2.
Ngày 4/3, Chủ tịch FED nói rằng việc tái mở cửa nền kinh tế “có thể tạo ra một số áp lực tăng lên giá”, nhắc lại rằng ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ “kiên nhẫn” trước khi thay đổi chính sách ngay cả khi FED nhận thấy rằng lạm phát tăng lên theo kỳ vọng sẽ chỉ là nhất thời.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Việc làm hôm 4/3, Chủ tịch Powell cho biết đà tăng liên tục của lợi suất trái phiếu trong thời gian qua đã thu hút sự chú ý của ông, song nhấn mạnh rằng FED sẽ cần thấy mức tăng trên phạm vi lãi suất rộng hơn trước khi xem xét bất kỳ hành động nào.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn đang khiến giới đầu tư lo ngại trong những tuần gần đây, đã tăng lên mức 1,54% sau phát biểu của Chủ tịch FED. Hồi tuần trước, lợi suất kỳ hạn này đã vọt lên mức cao tới 1,6% và được xem là động thái đột ngột gây ra đợt bán tháo mạnh cổ phiếu. Sau đó, lợi suất trái phiếu đã giảm trở lại trong tuần này trước khi ông Powell đưa ra những nhận định tại hội nghị việc làm.
Một số nhà đầu tư thất vọng khi ông Powell không đưa ra một gợi ý mạnh mẽ về bất kỳ sự thay đổi nào trong việc mua tài sản của FED để kiềm chế đà tăng nhanh chóng của lãi suất trong thời gian gần đây.
Ông Ray Attrill - người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Australia, nhận định: “Thị trường đang tìm kiếm bình luận trấn an của ông Powell để đẩy lùi sự lo ngại về đà tăng của lợi suất trái phiếu trong thời gian gần đây. Vì vậy, bài phát biểu của Chủ tịch FED phần nào đã ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu. Ông Powell chỉ nói một cách mơ hồ về các hành động mà FED sẽ làm khi lợi suất tăng quá cao”.
Ông Powell đã khẳng định rằng FED chưa điều chỉnh ngay lập tức chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, song một số nhà phân tích vẫn lo ngại lợi suất trái phiếu chính phủ tăng khiến chi phí đi vay cao hơn, điều này cũng tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế vốn còn mong manh của Mỹ.
Cũng trong bài phát biểu, Chủ tịch FED cho biết, việc lạm phát vượt quá mức mục tiêu 2% của FED trong vài quý sẽ không khiến cho kỳ vọng lạm phát dài hạn của người tiêu dùng thay đổi đáng kể.
Về mặt dữ liệu kinh tế, nhà đầu tư đã tiếp nhận báo cáo thất nghiệp khả quan hơn dự báo. Bộ Lao động Mỹ ngày 4/3 cho biết, tổng số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 745.000 người trong tuần kết thúc ngày 27/2, thấp hơn một chút so với dự báo 750.000 người của Dow Jones./.