Lòng tin sụp đổ?
Nhà đầu tư Bitcoin đang “đứng ngồi không yên” trong bối cảnh xu hướng giảm giá của đồng Bitcoin chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo dữ liệu từ CoinDesk, đã có thời điểm giá Bitcoin xuống thấp tới mức US$17.601,85/đồng trong ngày thứ Bảy, giảm gần 15% so với mức giá trong ngày thứ Sáu trước đó. Tính đến thời điểm hiện tại, Bitcoin đã mất gần 74% giá trị kể từ mức đỉnh vào tháng 11 năm ngoái.
Những lo ngại về nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED trong việc kiểm soát lạm phát đã đẩy thị trường chứng khoán và tiền số vào đà xuy giảm. Những cái tên lớn trong ngành công nghiệp tiền số, bao gồm Coinbase Global, sản giao dịch tiền ảo lớn nhất tại Mỹ, vừa công bố quyết định cắt giảm nhân sự.
“Việc Bitcoin giảm xuống dưới mốc US$20.000 đã được dự đoán từ trước, nhất là với những tín hiệu bi quan đến từ thị trường”, chuyên gia phân tích thị trường Naeem Aslam tại công ty tư vấn AvaTrade cho biết.
Aslam chỉ ra sự sụp đổ của đồng TerraUSD vào tháng 5 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tâm lý thị trường, mà cụ thể là quyết định của các nhà đầu tư.
Trong một thời gian dài, việc đồng Bitcoin tăng giá được coi như chỉ dấu rằng tiền số nói chung và đồng tiền này nói riêng đã bước vào giai đoạn phát triển mới và được thị trường chấp thuận, qua đó sẽ không quay lại mức thấp gần US$14.000/đồng từng ghi nhận vào năm 2017.
“Với nhiều nhà đầu tư, đây sẽ là quãng thời gian vô cùng khó khăn”, Yuya Hasegawa, chuyên gia tại sàn tiền ảo Bitbank, Nhật Bản, cho biết.
Theo Hasegawa, sẽ có nhiều người mất niềm tin vào thị trường tiền ảo, nhưng đồng thời cũng có một bộ phận nhà đầu tư với lòng tin vào triển vọng dài hạn, và coi đây là cơ hội để mua vào.
Wayne Sharp, một cố vấn đầu tư đã nghỉ hưu tại Columbus, Ohio, cho biết sự sụt giảm của Bitcoin không phải quá ngạc nhiên. Sharp đã mua một lượng Bitcoin trị giá US$10.000 vào năm 2020, và đến nay vẫn chưa có kế hoạch bán hay mua thêm. “Tôi đã chứng kiến nhiều giai đoạn lên xuống của thị trường tài chính nói chung, và những điều này đã xảy ra trong suốt 45 qua. Chúng ta luôn lặp lại sai lầm trong quá khứ”.
Ether, một đồng tiền ảo lớn khác, đã giảm dưới mốc US$1.000 vào ngày thứ Bảy, và hiện giao động trong khoảng US$880,93, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, theo CoinDesk.
Sự lao dốc của Bitcoin từ mức đỉnh US$67.802 vào tháng 11 đã khiến thị trường tiền ảo nói chung mất gần 2 nghìn tỷ đô la. Vốn hoá của thị trường tiền ảo từng đạt mức đỉnh gần 3.000 tỷ đô la vào tháng 11/2021, hiện chỉ còn US$834 tỷ đô vào thứ Bảy – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, theo CoinMarketCap.
Tương lai ảm đạm
Trong tháng 5, Bitcoin được giao dịch trong khoảng US$30.000/đồng, trước khi giảm mạnh vào tháng 6 khi lạm phát và lo ngại về việc FED tăng lãi suất trở nên hiện hữu. Điều này buộc các nhà đầu tư phải rút vốn khỏi những tài sản mang tính rủi ro cao, ví như tiền ảo hay cổ phiếu công ty công nghệ.
Xu hướng trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty tiền ảo. Babel Finance, một công ty tiền ảo lớn tại Mỹ, thông báo với khách hàng trong ngày thứ Sáu sẽ tạm dừng dịch vụ rút tiền với lý do “áp lực thanh khoản lớn bất thường”. Celsius Network cũng không cho phép người dùng rút tiền trong gần một tuần qua khi nhận định thị trường đang có những dấu hiệu cực đoan bất thường.
Quỹ đầu tư tiền ảo Three Arrows Capital đã thuê các cố vấn tài chính và pháp lý nhằm tìm giải pháp giúp các nhà đầu tư hiện đang chịu thiệt hại nặng nề sau những đợt bán tháo tài sản số.
Theo Ryan Shea, nhà kinh tế tại công ty đầu tư tiền số Trakx, xu hướng rút vốn từ tài sản rủi ro sẽ không sớm dừng lại. Khác với các thị trường truyền thống, khi “sẽ không có ngân hàng trung ương nào can thiệp để ổn định tình hình”.
Việc các đồng tiền số tăng mạnh giá trị trong vòng hai năm qua được thúc đẩy bởi những khoản đầu tư lớn từ các công ty lớn, ví như Tesla, cũng như một khoảng thời gian dài các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch.
Hiện tại, việc FED tăng lãi suất được ví như một quả bom nhắm thẳng vào các dự án tiền số. Đồng TerraUSD vốn được biết đến khá ổn định đã mất mốc US$1 vào tháng trước sau áp lực bán mạnh của nhà đầu tư, khiến đồng tiền “anh em” Luna hiện gần như vô giá trị.
“Bản thân các đồng tiền số đã có những vấn đề của riêng nó, và tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn, ví như tăng lãi suất và lạm phát,chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn”, Noelle Acheson, chuyên gia tại công ty tiền số Genesis Global Trading nói.