Nhà đầu tư thận trọng chờ báo cáo kinh doanh, chứng khoán Mỹ giảm nhẹ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ngày 18/4, khi các nhà đầu tư giao dịch thận trọng, chờ đợi các tín hiệu từ kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Dow Jones mất 39,54 điểm, tương đương 0,1%, xuống còn 34.411,69 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,02% về mức 4.391,69 điểm, còn Nasdaq Composite giảm 0,1% còn 13.332,36 điểm.

Chỉ số Dow Jones mất 39,54 điểm, tương đương 0,1% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/4. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones mất 39,54 điểm, tương đương 0,1% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/4. Ảnh: CNBC

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall trồi sụt trong phiên giao dịch ngày thứ Hai do chịu tác động từ lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục đứng ở mức cao, quanh 2,86%, và có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 tại 2,884%.

Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giữ ở mức 1,71% vào đầu tháng 3, song nhanh chóng tăng vọt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. Lãi suất tăng cao đã gây áp lực lớn lên cổ phiếu và gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái đang đến gần.

Ông Sam Stovall - Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA nhận xét: “Giới đầu tư quan ngại rằng lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ còn tăng cao đến đâu. Vấn đề Ukraine và lạm phát không có diễn biến gì thực sự mới khi FED dự kiến sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo”.

Giá cả hàng hóa lên cao trong ngày 18/4 khiến những lo ngại về lạm phát và ảnh hưởng tới doanh nghiệp càng trở nên hiện hữu. Giá ngô vọt lên mức cao nhất trong 9 năm, giá khí tự nhiên cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ 2008.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn bao gồm Meta Platforms, Amazon, Microsoft và Alphabet đều khép phiên với mức tăng nhẹ sau khi gần như đi ngang trong suốt phiên giao dịch.

Nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một tuần với nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I. Chuyên gia Stovall nhận định rằng các cổ phiếu phòng thủ và chống lạm phát được kỳ vọng sẽ có lợi nhuận tăng cao, trong khi dự báo về các cổ phiếu tăng trưởng lại được điều chỉnh giảm.

Charles Schwab là mã giảm mạnh nhất thuộc S&P 500 khi lao dốc 9,4% sau khi nhà môi giới chiết khấu công bố lợi nhuận và doanh thu thấp hơn dự báo trong quý đầu tiên. Cổ phiếu Bank of New York Mellon giảm 2,2% sau khi báo cáo lợi nhuận thấp hơn dự báo trong quý 1/2022.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu Bank of America với EPS ghi nhận giảm 13% so cùng kỳ năm trước, mặc dù kết quả lợi nhuận trong quý I/2022 tăng nhẹ so với kỳ vọng và giá cổ phiếu tăng 3,4%. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn khác như JPMorgan Chase và Wells Fargo cũng tăng hơn 1%. 

Trong tuần này còn nhiều doanh nghiệp lớn sẽ công bố báo cáo tài chính quý I, bao gồm Netflix, Tesla, Snap, các hãng hàng không United Airlines, American Airlines và Alaska Air, các hãng đường sắt CSX và Union Pacific.

Nhiều cổ phiếu blue chip trong Dow Jones cũng sắp thông báo kết quả kinh doanh trong vài ngày tới như IBM, Procter and Gamble, Travelers, Dow Inc, Johnson and Johnson, American Express và Verizon.

Giới đầu tư cũng sẽ chú ý đến các dự báo tương lai, đặc biệt những nhận định về cách các công ty đang xử lý vấn đề chi phí tăng cao, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tháng 3 công bố hồi tuần trước đã tăng 8,5% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981.

Các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley cho biết kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm nay có thể gây thất vọng hơn so với dự báo.

Chiến lược gia cổ phiếu Michael Wilson của Morgan Stanley cho biết: “Theo kết quả khảo sát của Morgan Stanley, chỉ số về điều kiện kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 và dự báo mức lợi nhuận của các công ty trong quý I/2022 kém khả quan hơn do phải đối mặt với nhiều áp lực về chi phí."