Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà đầu tư Trung Quốc “để mắt” tới bất động sản khu vực Đông Nam Á

Linh Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản thương mại ở Đông Nam Á đang trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là khi những căng thẳng về chính trị và lãi suất cao làm giảm sức hút của các thị trường truyền thống như Úc và Mỹ.

Theo bảng xếp hạng của Juwai IQI, Indonesia hiện là điểm đến số 1 của giới đầu tư bất động sản Trung Quốc, Malaysia ở vị trí thứ 3 và Thái Lan ở vị trí thứ 5.

Năm 2022, Indonesia và Malaysia lần lượt ở vị trí thứ 4 và thứ 5, trong khi Thái Lan thậm chí không có mặt trong top 5.

Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ba nền kinh tế Đông Nam Á này sẽ tăng trưởng từ 3,4% đến 5% trong năm nay.

Indonesia đang là điểm đến hàng đầu của giới đầu tư bất động sản Trung Quốc- Ảnh: Shutterstock
Indonesia đang là điểm đến hàng đầu của giới đầu tư bất động sản Trung Quốc- Ảnh: Shutterstock

Ngược lại, Mỹ - điểm đến đầu tư ưa thích vào năm ngoái, đã không lọt vào top 5, trong khi Australia từ vị trí thứ 2 năm 2022 tụt xuống vị trí thứ 4.

Báo cáo cho biết: “Các nhà đầu tư coi Đông Nam Á là một điểm đến hấp dẫn vì quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia này đang phát triển, căng thẳng Mỹ - Trung lại có chiều hướng gia tăng. Xu hướng phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế Đông Nam Á đang mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn về bất động sản, du lịch, cơ sở công nghiệp và logistics”.

IMF cho biết, tăng trưởng của Mỹ và Australia dự kiến chỉ đạt 1,6% trong năm nay.

Mức lãi suất hiện tại ở Mỹ và Australia là 5,25% và 4,1%, trong khi lãi suất của Indonesia, Malaysia và Thái Lan dao động từ 2% đến 5,75%.

Juwai IQI cho biết, triển vọng tăng trưởng tốt ở các quốc gia Đông Nam Á giúp các nhà đầu tư có thêm động lực để bỏ tiền vào khu vực này.

Cũng theo báo cáo, mặc dù nguồn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài thường bị hạn chế do sự kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Bắc Kinh, nhưng điều này lại không đúng với Đông Nam Á khi các dự án đầu tư đến nơi đây dễ dàng được chấp thuận hơn.

 Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu đi trong vài năm qua với các tranh chấp về thương mại, công nghệ và thậm chí cả chủ quyền lãnh thổ ở châu Á.

Điều tương tự cũng đang diễn ra liên quan đến quan hệ  giữa Canberra và Bắc Kinh, khi những bất đồng về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và các lệnh cấm thương mại làm gia tăng sự căng thẳng.

Theo các chuyên gia, bất động sản thương mại của Đông Nam Á sẽ tiếp tục được ưa chuộng ngay cả khi Mỹ và Australia đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ.

Kashif Ansari, đồng sáng lập và CEO của Juwai IQI cho biết: “Điều này không chỉ liên quan đến yếu tố lãi suất - yếu tố khiến cho việc đầu tư của Trung Quốc đối với bất động sản của Mỹ giảm sút, mà còn cho thấy những ưu tiên của Bắc Kinh giành cho đầu tư ra nước ngoài. Các nhà đầu tư  cần phải hết sức thận trọng và tránh các thị trường có thể xảy ra căng thẳng chính trị, khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn”.