Tương lai không hấp dẫn
Nhiều sinh viên vẫn biết, giáo viên là một nghề đặc thù, đòi hỏi cao về kiến thức, phẩm chất và năng lực sư phạm, tức là phải rất nỗ lực trong học tập, rèn luyện nhưng do tương lai không mấy sáng sủa nên họ học hành chểnh mảng, không rõ mục đích. Về phía xã hội, lâu nay vẫn nhìn nhận nghề giáo là một nghề cao quý, xứng đáng được tôn vinh, nhưng trong thực tế, những năm gần đây, nghề giáo không được coi trọng bằng một số nghề khác vì không mang lại nhiều vật chất cho người theo đuổi.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), về chế độ chính sách, lương, điều kiện làm việc cho giáo viên, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cố gắng đáp ứng, như quy định các chế độ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp miền núi, phụ cấp thâm niên… Tuy nhiên, những yếu tố này chưa đáp ứng nhu cầu. Đầu vào, đầu ra tương ứng với các ngành nghề khác, nhưng nếu sau 4 năm học đại học, nếu học ngành tài chính, ngân hàng, các em sẽ có điều kiện sống tốt hơn, lương cao hơn. Còn vào sư phạm vừa khó xin việc vừa lương thấp, lại đòi hỏi phải có thêm các tố chất của nhà giáo. Nghề giáo đòi hỏi sự tâm huyết, đam mê, qua năm tháng họ được nâng cao nghiệp vụ, trình độ nhưng lại ít cơ hội thăng tiến hoặc phát triển. Những người theo con đường sư phạm và đam mê với nghề là những người chấp nhận những thiệt thòi nói trên.
"Thiếu lửa" ngay trong đào tạo
Theo cô Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội: Nghề nào cũng có cái hay và cũng có thời của nó. Hiện tại, thu nhập và đầu ra là hai nguyên nhân quan trọng cản trở đầu vào của sư phạm. Nhưng trong xã hội, sư phạm là nghề rất quan trọng và có sự ổn định cao. Xã hội vẫn luôn dành cho sư phạm một mối quan tâm đặc biệt nên chắc chắn trong tương lai, ngành giáo dục sẽ đổi mới rất nhiều.
Cùng với đó, một trong những nguyên nhân khiến ngành sư phạm mất dần sức hút với học sinh là chương trình, phương pháp dạy còn chưa đổi mới, cập nhật. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng ĐHSP TP.HCM, ở trường phổ thông, các thầy đang bị cuốn vào vòng xoay là phải dạy cho hết giờ, ít khi quan tâm uốn nắn hành vi của học trò. Vấn đề đang tồn tại ở giáo dục Việt Nam là quen xây dựng một mặt bằng cho mọi người, chưa để ý đến tính cá biệt. Bởi vậy, khi đứng trước học sinh cá biệt đã có giáo viên có cách hành xử không phù hợp.
TS Hồng cho rằng, ngoài việc truyền tải những kỹ năng, kiến thức của môn học thì người thầy còn phải làm việc giáo dưỡng - nghĩa là dạy học trò làm người. Trong khi đó, ở trường sư phạm chưa dạy nhiều cho giáo viên tương lai những môn như: Kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp...
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng cần có cơ chế phát triển nghiệp vụ sau đào tạo, không nên đặt lên vai các em nhiệm vụ bất khả thi là sau tốt nghiệp các em phải là nhà giáo đạt chuẩn ngay. Việc cần làm là cấu trúc lại mạng lưới các trường đào tạo giáo viên để tăng hiệu quả và có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá giáo viên căn cứ vào năng lực trong thực tế. Nếu tạo được môi trường khoa học từ việc đào tạo và tuyển chọn, sử dụng giáo viên phù hợp thì sẽ tạo được nguồn đầu vào có chất lượng cao cho nghề sư phạm, trả lại sự hấp dẫn vốn có của nghề dạy học, một nghề vẫn được coi là cao quý.