Diễn đàn "Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ" vừa diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ. Chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và hơn 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Ấn Độ. Diễn đàn đã tạo ra cơ hội gặp gỡ, thúc đẩy giao lưu văn hóa và xúc tiến hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp của hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Trong nhiều thập niên, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới nhưng quan hệ Việt Nam – Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp.
Đến nay, Ấn Độ đã có 321 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD, tập trung vào các ngành như chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khai khoáng.
Có thể kể tới một số dự án đầu tư lớn của Ấn Độ tại Việt Nam như Nhà máy đường Sơn Hòa tại Phú Yên có vốn đầu tư 94 triệu USD, Nhà máy chế biến cà phê hòa tan có vốn đầu tư 80 triệu USD, Nhà máy Điện mặt trời INFRA 1 tại Ninh thuận có vốn đầu tư gần 72 triệu USD…
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có 6 dự án đầu tư tại Ấn Độ chủ yếu quy mô nhỏ với tổng mức đầu tư trên 6 triệu USD, trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và dịch vụ.
Về quan hệ thương mại, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã tăng tới 60 lần từ 200 triệu USD năm 2.000 lên gần 12 tỷ USD năm 2019 và dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 vẫn đạt trên 11 tỷ USD năm 2022.
Trong hành trình 4 ngày, đoàn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như dâng hoa lên tượng đài Hồ Chí Minh tại Ấn Độ, tham quan Đại sứ quán Việt Nam và các công trình kiến trúc, văn hóa nổi tiếng như India Gate, đền thờ đạo Bahai...
Nổi bật nhất trong chuỗi sự kiện này là Diễn đàn “Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ” và Lễ biểu dương các nhà trí thức, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Thủ đô New Delhi.
Tại diễn đàn, hơn 80 cá nhân, đơn vị đã xuất sắc vượt qua những tiêu chí khắt khe của Ban Tổ chức để nhận giải thưởng cao quý này.
Trong dịp này, bà Đào Thanh Hoàn – nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý – giáo dục Ngọc Ân đã được vinh danh Nhà hoạt động xã hội tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương tại Diễn đàn "Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ".
Ban Tổ chức ghi nhận bà Đào Thanh Hoàn đã có những đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển văn hóa đối ngoại Nhân dân, tăng cường hữu nghị và phát triển kinh tế; góp phần lan tỏa giá trị quốc gia, phẩm hạnh dân tộc; đóng góp vào thành công chung của Diễn đàn "Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ".
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (số 51 Liền kề 6 – Khu đô thị An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) được thành lập theo Quyết định số 168-2020 ngày 3/9/2020 của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Ngày 21/9/2020, Trung tâm Ngọc Ân đã được Bộ KH&CN cấp phép hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký số A-2282.
Các hoạt động chính của Trung tâm như: Nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học tâm lý, giáo dục vào lĩnh vực can thiệp sớm, hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển về thể chất, trí tuệ, năng lực học tập và những kỹ năng tự lập cơ bản.
Đồng thời thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ: Đánh giá, sàng lọc, can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển; Tư vấn, phổ biến kiến thức cho phụ huynh và cộng đồng về phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ; Tư vấn giúp trẻ thực nghiệm hướng nghiệp; Bồi dưỡng kỹ năng xã hội cho trẻ rối loạn phát triển.
Một số sản phẩm của Trung tâm Ngọc Ân được giới thiệu tại Diễn đàn.
Tháng 12/2022, Trung tâm Ngọc Ân đã chính thức trở thành một trong 15 thành viên của Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam. Đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đã có 6 cơ sở hoạt động ở Hà Nội, Đắk Lắk, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trung tâm đều được tuyển chọn kỹ càng, ngoài chuyên môn cao, giáo viên của trung tâm đòi hỏi phải là những người yêu nghề và có trái tim tràn ngập yêu thương đối với trẻ.
Trung tâm Ngọc Ân đã phát triển được trên 7.000 mẫu sản phẩm oản nghệ thuật, đồ lễ các loại và có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân Đào Thanh Hoàn hạnh phúc chia sẻ: “Sản phẩm của các con làm ra được khách hàng đón nhận, hiện trung tâm chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng đã không đủ hết công suất nên không phải lo lắng về đầu ra. Hiện nay, trung tâm đang dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều học viên khuyết tật, tự kỷ tại Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc, hàng tháng các con đã được nhận lương để trang trải cho bản thân và gia đình”.