Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà thơ Bút Tre- Một góc nhìn khác

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Những người yêu văn học dân gian Việt Nam đều ít nhiều thuộc một vài câu vè của nhà văn Bút Tre (tên thật là Đặng Văn Đăng). Thế nhưng, để biết Trưởng ty Văn hoá tỉnh Phú Thọ Đặng Văn Đăng (1911 – 1987) viết báo ở đâu, viết như thế nào lại là một câu chuyện dài kỳ.

Quá trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử thành phố Vinh, tình cờ tôi phát hiện “Bút Tre” là một cây bút quen thuộc và sắc sảo, góp bài đều đặn, với nhiều thể loại trên một tuần báo Sao Mai xuất bản ở … TP Vinh trước đây. Dù ai cũng biết nhà thơ Bút Tre quê ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Ông Đặng Văn Đăng, từng làm công tác ngoại giao với chức danh Bí thư thứ hai sứ quán Việt Nam tại Rumani. Sau đó ông về làm Trưởng ty Văn hoá tỉnh Phú Thọ, được đánh giá là một lãnh đạo có tài, tâm huyết và rất liêm khiết. Một số tài liệu cho biết, Đặng Văn Đăng đã đậu tú tài triết học thời thuộc Pháp, từng dạy học ở Tuyên Quang và viết báo với bút danh Lục Y Lang, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga.

Năm 1962, về làm trưởng Ty Thông tin Phú Thọ, ông mới chính thức sáng tác những bài thơ kiểu ngồ ngộ và ký tên Bút Tre. Ảnh mình họa.
Năm 1962, về làm trưởng Ty Thông tin Phú Thọ, ông mới chính thức sáng tác những bài thơ kiểu ngồ ngộ và ký tên Bút Tre. Ảnh mình họa.

Gần đây tôi đã rất bất ngờ và đầy thú vị, khi thấy bài của ông trên tuần báo Sao Mai, một tờ báo tư nhân, do Trần Bá Vinh, một doanh nhân và là dân biểu Trung Kỳ nhiều khóa liền sáng lập. Trên vài tuần báo Sao Mai mà chúng tôi sưu tầm được ít nhất trên tờ Sao Mai, Đặng Văn Đăng đã viết ba thể loại: Bình luận thời sự, Chính luận (ký tên Đặng Văn Đăng, hoặc D.V.D); truyện ngắn (ký tên Lục Y Lang, hoặc Chàng Áo Xanh) và tiểu thuyết, truyện dài (Ký tên Lục Y Lang).

Từ số 276, ra ngày 9/6/1939 cho đến số 287, ra ngày 25/8/1939, số báo nào cũng có bài của Đặng Văn Đăng, vài số ông có hai bài. Riêng tiểu thuyết “Lên cõi vinh quang” đăng ít nhất từ tháng 1 năm 1939, đến số 287 (ngày 25/8/1939) mới đến kỳ thứ 36, mà xem ra câu chuyện vẫn còn dài. Như vậy, có thể nhận định: Ít nhất trong năm 1939 số báo nào của Sao Mai cũng có bài của Đặng Văn Đăng. Điều này cho thấy ông viết khỏe và rất chuyên nghiệp. Nên nhớ, năm đó Bút Tre mới 28 tuổi.

Truyện dài của Bút Tre trên tuần báo Sao Mai. Ảnh tư liệu
Truyện dài của Bút Tre trên tuần báo Sao Mai. Ảnh tư liệu

Với ngữ liệu ít ỏi còn lại, tôi chưa dám khẳng định điều gì thật chắc chắn về đặc điểm hay phong cách, tài năng báo chí, văn chương của Đặng Văn Đăng. Tôi chỉ có thể nhận thấy rằng đó là một ngòi bút khác hẳn những gì chúng ta đã biết về ông Bút Tre, với tư cách một “vè sĩ”, người khai sinh một “trường phái” thơ ca dân gian độc nhất vô nhị của Việt Nam. Với thể loại bình luận thời sự, hay chính luận, có thể thấy Đặng Văn Đăng lập luận chắc chắn, sắc sảo, dẫn nhiều tác giả đông tây, kim cổ, ngôn từ mạnh mẽ, dứt khoát.

Trong bài “Một nhân vật quan trọng trong lịch sử thế giới: Hitler” (Sao Mai số 279, ngày 30/6/1939), Đặng Văn Đăng nhận xét: “Âu châu là một lò lửa hồng chỉ đợi Hitler tra dầu thêm là bốc cháy ngùn ngụt hay Hitler tưới nước vào cho than lạnh tro tàn”. “Hiện nay 86 triệu dân Đại Đức đứng dưới lá cờ thập ngoặc không biết con thuyền số mệnh sẽ đưa mình về đâu, khi sống dưới bàn tay môt vị quốc trưởng không lấy nền tự do của các nước lân bang làm trọng vọng”.

Tiểu thuyết do Bút Tre sáng tác. Ảnh tư liệu.
Tiểu thuyết do Bút Tre sáng tác. Ảnh tư liệu.

 Khi chuyển sang viết truyện ngắn, với bút danh Lục Y Lang, hoặc Chàng Áo Xanh, văn phong của Đặng Văn Đăng lại mang một màu sắc khác. Ở thể loại tiểu thuyết và truyện dài, hiện chúng tôi mới biết được ông có ba cuốn. Cuốn “Lên cõi vinh quang” đăng dài kỳ trên báo Sao Mai. Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử, viết về Công chúa Huyền Trân.

Qua những số còn lưu được có thể nhận định cốt truyện xoay xung quanh cuộc tình giữa Huyền Trân và Khắc Chung, những bi kịch của họ khi Huyền Trân, theo ý vua cha phải đến Chiêm Thành làm vợ của Vua Chiêm. Mặc dù là tiểu thuyết lịch sử, với giọng văn chủ đạo là cổ trang, nhưng tác giả cũng không ngần ngại cho đôi tình nhân này có những hành động và lời nói hiện đại, bạo liệt.

Bài của Bút  Tre trên tuần báo Sao Mai. Ảnh tư liệu
Bài của Bút  Tre trên tuần báo Sao Mai. Ảnh tư liệu

Truyện dài “Giọt máu người Chàm” đăng dài kỳ trên báo Đông Pháp, năm 1939. Chỉ có một số báo được lưu lại, nên cũng chỉ biết trong truyện có nhân vật thi sĩ kiêm hiệp sĩ người Hời (Chàm). Văn phong truyện này lại có vẻ nhuốm màu kiếm hiệp.Với bút danh Lục Y Lang, Đặng Văn Đăng còn có một cuốn sách nữa, đó là cuốn “Cành hoa Như ý”, do báo Quốc Gia (Hà Nội) xuất bản năm 1943, thuộc tủ sách “Loại gia đình” của tòa báo.

Như vậy, khảo sát sơ bộ qua một số sáng tác của Bút Tre- Đặng Văn Đăng, cho thấy ông là một cây bút khá đa dạng, viết được nhiều thể loại, là người có kiến thức uyên thâm, kiến văn rộng, quan điểm mới mẻ và khoáng đạt ở thời điểm đó.

Di chúc của nhà thơ Bút Tre.
Di chúc của nhà thơ Bút Tre.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy rõ ràng có một “Bút Tre” hoàn toàn khác, nghiêm túc, uyên thâm, chuyên nghiệp trong báo chí và văn chương, khác hẳn với một “Bút Tre” dân dã, tinh nghịch và hài hước, như lâu nay chúng ta vẫn biết. Điều này phải chăng cũng cho phép khẳng định: Những câu vè khác người của Bút Tre là sản phẩm của một tác giả thông minh, lão luyện cố tình tạo ra, chứ không phải do bí từ, dễ dãi, hay … ngớ ngẩn!

 Những đồng nghiệp cùng thời của ông kể lại đến năm 1962, về làm trưởng Ty Thông tin Phú Thọ, ông mới chính thức sáng tác những bài thơ kiểu ngồ ngộ và ký tên Bút Tre, và từ đấy thơ Bút Tre mới được nhiều người biết đến và nhân rộng. Ngay cả trong Di chúc, ông cũng viết rất bút tre:

Tôi dặn, tiễn tôi tới suối vàng

Thưa kèn, giảm trống, chẳng đò ngang

Dứt đường Tây Trúc, kinh thôi tụng

Buông sách Thọ Mai, lễ chẳng màng

Xã hội, cơ quan ngừng phúng viếng

Họ hàng thân thuộc chút khăn tang

Hương thơm, đèn sáng, vòng hoa trắng

Trầm mặc, cử hành đám lễ tang