Gần 20 người tử vong mỗi ngày trong dịp nghỉ lễ Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, ngày 1/5 – ngày nghỉ lễ cuối cùng trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, toàn quốc xảy ra 26 vụ TNGT, làm chết 16 người, bị thương 17 người (đều là TNGT đường bộ). Như vậy, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 - 1/5), cả nước xảy ra 137 vụ, làm chết 96 người, bị thương 96 người. Trong đó, đường bộ 135 vụ, làm chết 94 người, bị thương 96 người. Đường sắt 2 vụ, làm chết 2 người. So sánh với 4 ngày kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5/2018, bình quân số người chết trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5/2019 là 19,2 người/ngày, giảm nhẹ so với bình quân số người chết/ngày kỳ nghỉ lễ năm 2018 là 19,75 người chết/ngày. (Vân Nhi) Chiều 1/5 - ngày cuối của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ghi nhận của PV Kinh tế & Đô thị, nhiều tuyến đường, nút giao "cửa ngõ" Thủ đô rơi vào tình trạng quá tải. Các nút giao phía Nam TP như: Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng - Pháp Vân ùn ứ ngay từ đầu giờ chiều. Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giao với QL1A) ùn tắc kéo dài ngay từ 15 giờ, các phương tiện mất hàng chục phút mới di chuyển qua được khu vực này. |
Nhà xe chưa hết cảnh nhồi nhét
Kinhtedothi - Đường bộ, đường sắt và hàng không luôn phải căng mình hoạt động hết công suất vào kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5. Các lĩnh vực vận tải trọng điểm này trải qua những ngày cao điểm vô cùng căng thẳng.
Xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, nhồi khách
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, các bến xe trên địa bàn Hà Nội đã đáp ứng rất tốt nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, hiện tượng xe khách liên tỉnh (XKLT) dừng đón trả khách tùy tiện trên đường, nhồi nhét, tự ý tăng giá vé… vẫn xuất hiện, gây bức xúc cho người dân.
Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho hay, đơn vị đã phục vụ hơn 20.000 lượt hành khách, với khoảng 1.100 lượt xe.
“Tất cả các xe xuất bến đều được kiểm soát gắt gao, không có hiện tượng nhồi nhét, tăng giá vé trước khi xuất bến” - ông Thành khẳng định. Tương tự, lãnh đạo các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm đều khẳng định đã đảm bảo tốt công tác phục vụ Nhân dân đi lại trong dịp nghỉ lễ vừa qua.
Đại diện Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai thông tin thêm, đơn vị đã phối hợp với các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm xử lý một số trường hợp nhồi nhét khách. Đơn cử, ngày 27/4, một XKLT chạy tuyến Giáp Bát - Hải Phòng của nhà xe Đất Cảng đã bị phạt hành chính 9.000.000 đồng do nhồi nhét khách và bị buộc hạ tải ngay trong sân bến.
Tuy nhiên, bên ngoài bến xe lại là một thực tế khác. Anh Đỗ Mạnh Hùng (Ninh Bình) cho biết, chiều 26/4, anh lên một chiếc XKLT tuyến Giáp Bát - Ninh Bình. Khi ra khỏi bến, xe cố tình rà rê, đi kiểu “rùa bò” trên đường Giải Phóng - Kim Đồng để bắt thêm khách. Trên suốt hành trình, thi thoảng xe lại đỗ để khách lên xuống, bất chấp gây cản trở giao thông và nỗi bức xúc của hành khách.
Trên thực tế, nhiều kỷ nghỉ lễ vừa qua, chất lượng phục vụ tại các bến XKLT, nơi có sự hiện diện, kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng, đã được nâng lên rõ rệt. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận rằng lượng hành khách đến các bến xe đang có chiều hướng sụt giảm.
Nguyên nhân chính là do thói quen vẫy xe ngang đường của người dân cũng như tình trạng dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện của nhiều nhà xe. Trên các trục đường Phạm Hùng - Hoàng Quốc Việt, Giải Phóng - Kim Đồng - Pháp Vân vẫn la liệt xe rùa bò, xe khách “trá hình”… bất chấp cam kết sẽ xử lý mạnh tay của lực lượng chức năng. Chính những chiếc XKLT cố tình vi phạm luật giao thông, dừng đỗ tùy tiện là một trong những tác nhân lớn gây ra UTGT trên các tuyến đường trọng yếu mỗi dịp lễ, Tết.
Hàng không và đường sắt cùng hoàn thành nhiệm vụ
Trước kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, hàng không là lĩnh vực được dự báo sẽ đối mặt với nhiều căng thẳng do nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Vé máy bay “cháy” từ nhiều ngày trước kỳ nghỉ. Dù vậy, diễn biến trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua ghi nhận, vận tải hàng không đã hoàn thành nhiệm vụ bất chấp sức ép lớn trong những ngày cao điểm.
Tại khu vực phía Bắc, Cảng Hàng không Nội Bài là nơi “nóng” nhất khi có ngày tiếp nhận lượng hành khách lên tới 89.000 lượt. Trung bình mỗi ngày có khoảng 550 lượt chuyến bay cất/hạ cánh, tăng 7% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, lượng khách tập trung đông trong các ngày 26/4, 27/4, 1/5 và 2/5. Các hãng hàng không Việt Nam lên kế hoạch cung ứng gần 1,9 triệu chỗ với 8,7 nghìn chuyến bay trên các đường bay nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ 26/4 - 5/5 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng đột biến của hành khách.
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, đại diện Sân bay Tân Sơn Nhất cho biết trong hai ngày 26 - 27/4, sân bay này đạt bình quân 740 chuyến bay cất hạ cánh/ngày. Tần suất các chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất không nhiều bằng cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua với kỷ lục gần 1.000 chuyến bay cất hạ cánh/ngày.
Đường sắt được dự báo “dễ thở” hơn vì đã đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu vé tàu phục vụ người dân. Ngoại trừ các ngày cao điểm, lượng vé đã hết vào thời điểm trước kỳ nghỉ lễ, còn lại nhìn chung việc đi lại của người dân bằng tàu hỏa trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày vừa qua tương đối thuận lợi. Thậm chí, các chuyến tàu xuất phát vào các thời gian ngoài những ngày cao điểm (26 đến 28/4 và từ 30/4 đến 1/5), các tuyến khác vẫn còn nhiều vé, nhất là vé ghế ngồi. Như các mác tàu Hà Nội - Lào Cai chạy các ngày từ 26 đến 28/4 còn gần 300 vé, trong đó còn hơn 100 vé giường nằm mềm điều hòa. Đặc biệt, thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhân viên ngành đường sắt trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua được đánh giá rất cao.